(HNMCT) - Hiện tại, ngành Thể thao đang xây dựng danh sách vận động viên (VĐV) trọng điểm trong năm 2022 nhằm phục vụ các mục tiêu lớn như SEA Games 31, ASIAD 19 và xa hơn là vòng loại Olympic năm 2024. Vấn đề vẫn là chọn đúng người để đầu tư và tìm ra cách đầu tư khoa học để đạt được mục đích, giúp bài toán VĐV trọng điểm có lời giải chính xác.
Làm rõ tiêu chí
Nhiều năm qua, danh sách VĐV trọng điểm luôn được ngành Thể thao chú trọng để phục vụ các mục tiêu quốc tế quan trọng. Các VĐV cũng xem việc được vào danh sách này là mục tiêu lớn của mình. Dễ thấy nhất là khi được vào danh sách, VĐV sẽ được hưởng chế độ tốt hơn, như là về tiền công tập luyện (400 nghìn đồng/ngày), tiền ăn (400 nghìn đồng/ngày) cùng nhiều ưu đãi khác về trang thiết bị tập luyện, điều kiện ở, dinh dưỡng, thuốc thể thao. Năm 2021, thể thao Việt Nam xây dựng danh sách VĐV trọng điểm với gần 100 VĐV.
Còn hiện tại, danh sách VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam trong năm 2022 đang được xem xét với khoảng 200 VĐV để từ đó chọn khoảng 100 VĐV. Nếu không có bất ngờ, 11 môn thể thao có VĐV dự Olympic Tokyo 2020 gồm bắn súng, điền kinh, thể dục dụng cụ, cử tạ, bơi, rowing, boxing, bắn cung, cầu lông, judo, taekwondo sẽ có VĐV góp mặt trong danh sách này. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn khẳng định: "Danh sách VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam từ nhiều năm qua luôn được Tổng cục TDTT xem xét kỹ và tham khảo ý kiến của từng bộ môn để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong năm”.
Năm 2022, thể thao Việt Nam sẽ góp mặt ở SEA Games 31, ASIAD 19 cũng như chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2024 nên việc cân nhắc lựa chọn các “gương mặt trọng điểm” không hề đơn giản. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có định hướng về mục tiêu của thể thao Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có mục tiêu giành huy chương Olympic 2024, giành HCV ở ASIAD 19 - năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu giành HCV ở nhiều môn tại SEA Games 31, dự kiến diễn ra vào quý II năm 2022, được xem là đương nhiên. Định hướng này cũng là căn cứ để ngành Thể thao xây dựng danh sách VĐV trọng điểm cho năm 2022.
Trong cuộc làm việc mới đây cùng Tổng cục TDTT, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nêu ý kiến chỉ đạo: Thể thao Việt Nam phải sắp xếp nguồn lực để có sự chuẩn bị tốt nhất cho ASIAD 19 (diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc) và Olympic năm 2024 (Paris, Pháp). Chúng ta cần mạnh dạn lựa chọn VĐV trẻ tài năng có khả năng giành thành tích cao để đôn lên tuyển quốc gia, đầu tư trọng điểm nhằm làm mới lực lượng.
Riêng về đấu trường Olympic, định hướng là tập trung vào những VĐV có khả năng giành huy chương, và đó cũng chính là tiêu chí để chọn VĐV đầu tư trọng điểm.
Phát huy hiệu quả tối đa
Thực tế, việc lựa chọn VĐV để đầu tư trọng điểm được xem là bước đột phá lớn của ngành Thể thao, trong bối cảnh chỉ cách đây vài năm chúng ta vẫn còn đầu tư theo kiểu “cào bằng”. Khi đó, chế độ dành cho VĐV có khả năng giành huy chương Olympic, ASIAD hay HCV SEA Games cũng giống như nhiều VĐV khác - những người hầu như không có khả năng lọt vào tốp đầu ở SEA Games hay ASIAD.
Để có nguồn lực đầu tư cho nhóm VĐV trọng điểm (cùng với nhóm HLV trọng điểm) cần có sự nỗ lực lớn từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục TDTT. Nhưng như thế là chưa đủ. Cần mở rộng việc tạo nguồn kinh phí để nhóm VĐV trọng điểm được nhận mức đầu tư tốt hơn, qua đó thúc đẩy động lực tập luyện cho VĐV. Đó cũng là mong muốn của Tổng cục TDTT, và trong thực tế, có nhiều môn đang được xã hội hóa mạnh mẽ như boxing, quần vợt, cầu lông...
Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) từng chia sẻ rằng, những VĐV boxing hàng đầu Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhận đầu tư từ các doanh nghiệp. Ngay như tay đấm hàng đầu của boxing Việt Nam hiện nay là Nguyễn Văn Đương cũng đang nhận được sự đầu tư từ một câu lạc bộ boxing chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Những gì đang diễn ra cho thấy, quan trọng nhất vẫn là phát huy vai trò của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia trong việc hỗ trợ các VĐV trọng điểm.
Cũng còn một nguồn đầu tư khác cần được quan tâm thúc đẩy nhiều hơn, đó là từ chính các đơn vị chủ quản của VĐV. Theo ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, trung tâm sẵn sàng chung tay cùng Tổng cục TDTT để đầu tư thêm cho những VĐV Hà Nội có tên trong danh sách VĐV trọng điểm hằng năm của quốc gia.
Rõ ràng, sự chung tay từ nhiều phía sẽ góp phần giúp các VĐV trọng điểm có thêm động lực phấn đấu, để giải pháp đầu tư cho VĐV nhằm hướng đến các mục tiêu quốc tế quan trọng của thể thao Việt Nam phát huy tối đa hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.