(HNM) - Theo số liệu tổng hợp kết quả đại hội tại 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương, trong số hơn 3.500 đồng chí tham gia cấp ủy khóa mới có 276 đồng chí trẻ (dưới 40 tuổi), chiếm 7,9%, tăng 2,5% so với nhiệm kỳ trước.
Chỉ có 13/68 đảng bộ có tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020 đạt yêu cầu (từ 10% trở lên); có một đảng bộ mà cấp ủy không có cán bộ nào dưới 40 tuổi (Trà Vinh). Kết quả bầu cử các đại hội Đảng bộ cấp huyện và tương đương cũng có tỷ lệ cán bộ trẻ chưa đạt yêu cầu. Trong gần 37.000 cấp ủy viên cấp huyện hoặc tương đương khóa mới chỉ có 2.600 cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi), bằng 7,05%, thấp hơn nhiệm kỳ trước (8,56%).
Các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn của TP Hà Nội năm 2015. |
Kết quả cho thấy, thực hiện chủ trương trẻ hóa cán bộ vẫn là bài toán khó hiện nay. Có nhiều nguyên nhân cần phải được giải quyết. Trong đó nổi lên yêu cầu hàng đầu là các cấp ủy cần chủ động tạo nguồn, quy hoạch và đào tạo cán bộ trẻ. Những việc này cần được quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ. Trong đó, việc tạo nguồn đòi hỏi công phu nhất. Đó không đơn thuần là việc lựa chọn nhân tài mà còn là môi trường làm việc, cơ chế tuyển dụng, thu hút người tài. Việc này càng cần thiết khi hiện tượng "chảy máu chất xám" ngày càng gia tăng tại các cơ quan nhà nước. Ngay cả việc tuyển dụng thủ khoa tại Hà Nội cũng gặp rất nhiều khó khăn. Yêu cầu cũng đặt ra việc cần phải chú trọng hơn đến đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu, theo tiêu chuẩn chức danh. Đặc biệt, cán bộ cấp trên cần tin tưởng hơn, tích cực giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ để tạo điều kiện cho họ có thêm nhiều thời gian thử thách và khẳng định năng lực, xây dựng tín nhiệm. Vì thực tế vừa qua có tình trạng quy hoạch và đề cử bầu vào cấp ủy tỷ lệ cán bộ trẻ không thấp, nhưng kết quả bầu nhiều nơi cán bộ trẻ không lọt vào được. Khi được hỏi, các đại biểu thẳng thắn nói rằng: "Đồng chí ấy còn trẻ, chưa thể hiện được gì nhiều. Cứ để thêm nhiệm kỳ nữa, nếu có năng lực thực sự thì bầu vào khóa sau cũng chưa muộn".
2. Trong khi đó, dư luận gần đây đặc biệt quan tâm đến trường hợp cán bộ 30 tuổi được bổ nhiệm làm giám đốc sở, coi đó là sự lạ. Điều đó dẫn đến cả những suy diễn tiêu cực và có thêm những nghi ngờ về quá trình xem xét, bổ nhiệm cán bộ này. Thậm chí ngay cả khi đã có sự thẩm tra, khẳng định của Bộ Nội vụ, dư luận vẫn không hết những băn khoăn.
Đó là bởi vì một mặt theo các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ nói chung hiện nay quá chặt chẽ về thời gian công tác. Đặc biệt là cách thức xem xét, đánh giá làm căn cứ bổ nhiệm cán bộ còn nặng về bằng cấp, chứng chỉ. Trong khi nhiều nước trên thế giới, cán bộ 30-40 tuổi làm tới chức bộ trưởng là bình thường thì ở nước ta là chuyện hiếm có. Vì thông thường hiện nay, sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 22-23, một người phải rất may mắn, dành hầu hết thời gian cho việc học tập, bồi dưỡng, thì cũng phải mất ít nhất là 7-10 năm mới có thể đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, nhất là về các bằng cấp, chứng chỉ để được bổ nhiệm vào các chức vụ như giám đốc sở, bí thư hay phó bí thư quận, huyện ủy…
3. Để việc bổ nhiệm cán bộ trẻ trở thành câu chuyện bình thường cần đổi mới quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ theo hướng giảm thời gian công tác. Đặc biệt là cần đổi mới phương pháp xem xét, đánh giá cán bộ để bổ nhiệm; tạo cơ chế linh hoạt, tăng cường thi tuyển các vị trí lãnh đạo một cách công khai, minh bạch.
Có ý kiến cho rằng, việc chọn cán bộ cần phải đạt đến độ chí công vô tư, xét việc chứ không xét người thì nhất định cán bộ trẻ có cơ hội công bằng với thế hệ đàn anh. Khi đó, tất cả người tài đều có cơ hội ngang nhau, sẽ không còn những băn khoăn, suy nghĩ vì tỷ lệ cán bộ trẻ cao thấp hay những chuyện con ông cháu cha...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.