(HNM) - Ở thời điểm hiện tại, việc vừa bảo đảm duy trì sản xuất, vừa tìm đầu ra cho các sản phẩm rau, quả là bài toán khó với người nông dân, các hợp tác xã cũng như ngành Nông nghiệp. Bởi thực hiện cách ly xã hội nên các nhà hàng ăn uống, nhiều bếp ăn tập thể phải ngừng hoạt động khiến thị trường tiêu thụ các mặt hàng rau, quả bị thu hẹp...
Nguồn cung ổn định nhưng khó tiêu thụ
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số vùng sản xuất rau, quả khu vực ngoại thành cũng như chợ đầu mối trên địa bàn Thủ đô những ngày qua cho thấy, nguồn cung rau, quả dồi dào, nhưng việc tiêu thụ trầm lắng và giá cả giảm sâu.
Theo bà Đinh Thị Duyên ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), gia đình bà trồng 1,3 mẫu rau an toàn gồm các loại bắp cải, cải thảo, lơ xanh, cà chua… sản lượng rau vẫn ổn định thu hoạch khoảng 2 tấn/ngày, nhưng tiêu thụ rất chậm... Cùng về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban thông tin: Với diện tích 15ha rau an toàn, trước đây mỗi tháng hợp tác xã cung cấp ra thị trường 30-40 tấn rau, củ các loại, nhưng một tháng nay chỉ bán được khoảng 20 tấn. Số còn lại phải vứt bỏ vì nếu thuê nhân công mang rau ra chợ bán với mức 200 nghìn đồng/người/ngày thì không đủ chi phí.
Các hộ dân trồng cây ăn quả cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết: "Gia đình tôi có một mẫu ổi Đài Loan và ổi bo xù. Cùng kỳ năm trước, ổi bo xù có giá 8.000 đồng/kg - 9.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 4.000 đồng/kg - 5.000 đồng/kg; ổi Đài Loan trước có giá 6.000 đồng/kg nay chỉ còn 3.000 đồng/kg, nhưng tiêu thụ cũng khó khăn. Tiểu thương không đến mua tại vườn, gia đình phải tự mang ra chợ bán".
Việc tiêu thụ rau quả ở chợ đầu mối cũng ảm đạm. Ông Nguyễn Giang Nam - tiểu thương bán rau ở chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày cửa hàng của ông bán khoảng 5 tấn rau củ các loại, nay chỉ còn khoảng 2 tấn. Còn theo bà Hoàng Thị Hoài ở chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình), do nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm nên mỗi ngày cửa hàng của bà chỉ bán được khoảng 5 tạ quả gồm bưởi, táo, xoài… trong khi đó trước đây bán hơn 10 tạ.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thực hiện cách ly xã hội nên các cửa hàng ăn uống, kinh doanh dịch vụ đóng cửa, người dân hạn chế ra khỏi nhà... ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ các loại rau, củ, quả. Trong khi đó, sản lượng rau, củ, quả ổn định, diện tích gieo trồng rau vụ xuân toàn thành phố đạt hơn 8.000ha, trong đó diện tích trồng rau an toàn là 5.000ha, năng suất rau có xu hướng tăng đạt khoảng 218 tạ/ha; mỗi tháng cung cấp cho thị trường gần 55.000 tấn rau xanh các loại; diện tích trồng cây ăn quả ổn định với 18.900ha. Mặt khác, hiện nay phần lớn các mặt hàng rau, quả của người dân sản xuất vẫn bán qua thương lái mà chưa có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích nên khi thị trường chững lại thì nông dân càng gặp khó khăn…
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ rau, quả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Về sản xuất, ngành Nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã đôn đốc nông dân triển khai các giải pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ cây trồng vụ xuân 2020, từ đó bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để hướng dẫn người dân kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Về tiêu thụ sản phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Đồng thời hỗ trợ cho các hợp tác xã kết nối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn (Central Group, Aeon…) thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện ích khắp cả nước. Ngành Nông nghiệp cũng hỗ trợ các hợp tác xã đưa thông tin sản phẩm rau, quả an toàn bán trên trang điện tử www.chonhaminh.gov.vn để đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh bán hàng online.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, trước mắt các hợp tác xã nên hợp tác với một số sàn thương mại điện tử cung cấp giải pháp tiêu thụ nông sản qua kênh trực tuyến. Mặt khác, Hà Nội cần có các gói cho vay đầu tư trả chậm với lãi suất vay ưu đãi thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ khuyến nông để hỗ trợ người dân bảo đảm sản xuất...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, người nông dân cũng cần chủ động hơn nữa trong việc thay đổi phương thức tiêu thụ. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Hiện một phần dưa chuột, dưa lưới do gia đình sản xuất được bán cho thương lái, phần còn lại tôi chủ động mang đi bán ở các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, tôi cũng nhờ người quen, họ hàng giới thiệu bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…”.
Vừa duy trì sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô khi dịch Covid-19 qua đi, vừa giải bài toán tiêu thụ rau, quả hiện nay là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi sự chủ động chung tay góp sức của ngành Nông nghiệp, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính người nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.