(HNM) -Nếu coi các dự án rau an toàn (RAT) ở Hà Nội là sự thiết lập một quy trình khép kín trong sản xuất và tiêu thụ để đưa RAT đến với rộng rãi người tiêu dùng thì sự ra đời của cơ sở sản xuất - sơ chế - tiêu thụ RAT VietGap quy mô tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm được coi là chìa khóa tạo ra bước ngoặt mới cho RAT Thủ đô.
Mô hình cần nhân rộng
Nông dân xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức sản xuất rau an toàn. Ảnh: Bá Hoạt
Càng ngày vấn đề RAT càng là đòi hỏi bức thiết đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, tại Hà Nội, khi dân số ngày một đông, thêm vào đó, các loại dịch bệnh ngày càng nguy hiểm, phức tạp cho con người thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm càng được đặt lên hàng đầu. Sau một thời gian khảo sát, tìm kiếm thông qua định hướng, giới thiệu của Sở NN&PTNT và UBND huyện Gia Lâm, Công ty TNHH Hương Cảnh đã xây dựng thành công hệ thống sản xuất, sơ chế và tiêu thụ RAT trên địa bàn xã Văn Đức theo đúng tiêu chí RAT VietGap dưới sự giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ của Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Hiện xã Văn Đức đã có 50/286ha sản xuất heo hướng VietGap. Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Hương Cảnh, từ nay đến năm 2011, công ty tiếp tục mở rộng diện tích lên 286ha, dự kiến năng suất bình quân đạt 90-100 tấn/ha/năm, sản lượng 26.000-28.500 tấn/năm (75-80 tấn/ngày). Hiện Công ty Hương Cảnh đã đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế với diện tích trên 2.200m2, công suất từ 150 đến 200 tấn/ngày đêm. Dự kiến mô hình sẽ sản xuất 35-40 chủng loại rau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Trong đó nhóm rau ăn lá chiếm 60%, nhóm rau củ quả chiếm 30%, nhóm rau gia vị chiếm 10%.
Ông Nguyễn Chí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT khẳng định, mô hình sản xuất - sơ chế - tiêu thụ RAT khép kín của Công ty Hương Cảnh đã khẳng định bước đi đúng, là mô hình sản xuất bền vững, chất lượng cao cần được khuyến khích, mở rộng. Đây cũng là mô hình điểm về sản xuất RAT của thành phố nên các cấp chính quyền, các sở, ngành cần tạo điều kiện cho Công ty Hương Cảnh rút kinh nghiệm, mở rộng thị trường, quảng bá và nhân rộng mô hình trên toàn thành phố.
Song hành cùng lợi ích nông dân
Việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ, chính sách thu hút nông dân cũng như mối liên hệ giữa doanh nghiệp và nông dân là điểm nhấn để RAT tồn tại và phát triển trên thị trường. Nhận thức được tầm quan trọng đó, doanh nghiệp Hương Cảnh đã cam kết bao tiêu 100% sản phẩm RAT ngay từ khi nông dân xuống giống. Trong trường hợp giá thị trường lên cao, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá thu mua với hình thức 50% sản phẩm theo giá thị trường, 50% theo giá hợp đồng cam kết. Trường hợp thị trường RAT trượt giá, doanh nghiệp cam kết thu mua 100% theo hợp đồng đã ký. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ về phân bón hữu cơ chất lượng cao với giá 3.000 đồng/kg. Tại buổi lễ khai trương cơ sở sản xuất - sơ chế - tiêu thụ RAT VietGap, ông Nguyễn Văn Long một lần nữa khẳng định, doanh nghiệp Hương Cảnh sẽ luôn song hành cùng nông dân, cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân cả về kinh tế, văn hóa và môi trường sống khi tham gia sản xuất RAT.
Sự có mặt của xưởng sản xuất RAT Công ty Hương Cảnh tại xã Văn Đức đã được người dân vui mừng đón nhận. Chị Trần Thị Mùi, đội 15, thôn Chử Xá, một trong gần 200 hộ nông dân đăng ký liên kết sản xuất RAT cho biết, cái lợi lớn nhất là nông dân được bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, yên tâm sản xuất. Sản xuất RAT thâm canh theo kỹ thuật hướng dẫn và bón phân hữu cơ hoai mục do DN Hương Cảnh cung cấp, năng suất các loại rau ăn lá, củ, quả đều tăng 1,5 lần, chi phí sản xuất chỉ bằng 1/2 so với cách thâm canh truyền thống trước đây của địa phương. Do vậy, từ khi cơ sở sản xuất được xây dựng tại địa phương nhiều nông dân bỏ làng đi làm ăn đã quay lại, xin đăng ký sản xuất RAT với Công ty Hương Cảnh.
Cơ sở sản xuất - sơ chế - tiêu thụ RAT VietGap của Công ty Hương Cảnh đi vào hoạt động đã bước đầu giải được bài toán RAT cho thành phố. Hy vọng, mô hình sớm được nhân rộng để nhân dân Thủ đô có được món RAT trong các bữa ăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.