(HNM) - Thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời mái nhà đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sử dụng. Cùng với việc chống nóng cho các công trình trong những ngày cao điểm hè thì điện mặt trời mái nhà còn giúp người sử dụng chủ động nguồn điện, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh trong một thời gian ngắn đã dẫn đến một số hệ lụy, cần phải có giải pháp để giải bài toán điện mặt trời mái nhà.
Hệ lụy từ sự phát triển “nóng”
Gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn, ở Khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với diện tích khoảng 30m², chi phí đầu tư ban đầu gần 80 triệu đồng. "Việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà đã giúp giảm gần một nửa tiền điện sinh hoạt/tháng của gia đình. Không những thế, các tấm pin trở thành vật liệu chống nóng hiệu quả", ông Tuấn cho biết.
Thực tế, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, các dự án lưới điện gặp khó khăn về thủ tục giải phóng mặt bằng, thì việc phát triển điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp hiệu quả.
Tại cuộc tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển”, được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành thông tin, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, đã tạo đà cho việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo. Tính lũy kế đến ngày 31-12-2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đạt 19.400MW. Trong đó, năng lượng mặt trời mái nhà cũng đã phát triển rất nhanh với trên 100.000 công trình trong 2 năm 2019-2020. Riêng trong năm 2020, tổng công suất điện mặt trời mái nhà đạt 10,6 tỷ KW.
“Đây là một tỷ lệ rất cao. Tính chung, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời chiếm 25% tổng công suất phát điện của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước được đánh giá đi đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ trọng lắp đặt điện mặt trời”, ông Võ Tân Thành nói.
Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo chủ trương, phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ giúp giảm áp lực về điện cho ngành Điện; tiết giảm chi phí tiền điện hằng tháng cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường. Sau cùng, nguồn điện thừa sẽ bán lại cho ngành Điện để đưa lên hệ thống.
Tuy nhiên, làn sóng đầu tư lại hướng đến mục tiêu cuối cùng là… bán lại cho ngành Điện chứ không phải sử dụng. Điều này dẫn đến “phong trào” nhà nhà làm điện mặt trời mà không xét đến các yếu tố kỹ thuật, an toàn, lưới điện trung, hạ áp hay phân phối. Thậm chí, nhiều người lập trang trại, lắp điện mặt trời để bán cho ngành Điện với giá cao, thời gian lên tới 20 năm. Có những doanh nghiệp đầu tư gần 100 tỷ đồng (trong đó phần lớn đi vay) để đầu tư điện mặt trời trên mái nhà xưởng. Hằng tháng trông chờ vào tiền bán điện cho ngành Điện để trả nợ ngân hàng cho khoản vay này. Chính điều này đã dẫn tới việc hạ tầng lưới điện không theo kịp, nguy cơ quá tải công suất, phải giảm sản lượng huy động gây thiệt thòi cho nhà đầu tư, lãng phí nguồn năng lượng.
Tháo gỡ "câu chuyện" truyền tải
Rõ ràng, điểm nghẽn hiện nay của điện mặt trời mái nhà là "câu chuyện" truyền tải. Từ đầu năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo dừng tiếp nhận đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện, chứ không hạn chế việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, nếu đầu tư, lắp đặt mà không được nối vào lưới điện thì cần có bộ lưu trữ điện và một số thiết bị kỹ thuật khác để điện mặt trời mái nhà hoạt động độc lập. Cách làm này đẩy giá thành lắp đặt điện mặt trời mái nhà lên cao, không kinh tế, sẽ không khuyến khích được các hộ dân cư đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét, nghiên cứu dự thảo phát triển điện mặt trời mái nhà. Dự thảo được xây dựng theo hướng không hạn chế công suất, nhưng với điện mặt trời mái nhà sẽ đưa ra tỷ lệ tự dùng để bảo đảm hệ thống điện mặt trời mái nhà có tính phân tán, hạn chế phải truyền tải, tránh tổn thất điện năng và tăng đầu tư xã hội. Với quan điểm phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ tự dùng là chính, dự thảo cũng xây dựng giá điện theo hướng không duy trì giá cố định, mà dựa trên khung giá phát điện hằng năm được Bộ Công Thương ban hành.
Để thống nhất giá mua điện từ điện mặt trời mái nhà sau ngày 31-12-2020, Bộ Công Thương giao cho Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu xây dựng thông tư về khung giá, phương pháp định giá phát điện mặt trời hằng năm để làm cơ sở xác định giá điện mặt trời với mục tiêu bảo đảm sát giá thị trường, tránh chuyện thực hiện giá cố định (FIT) cho 20 năm như trước đây. Chuyên gia về năng lượng Phan Công Tiến cho rằng, chính sách này hoàn toàn phù hợp, bảo đảm đúng mục tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà là cung cấp điện phục vụ tiêu dùng cho hộ gia đình, cơ sở sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.