Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Giấc mơ Phật” - giấc mơ gốm

Tần Tần| 21/01/2011 07:05

(HNM) - "Giấc mơ Phật" là triển lãm điêu khắc gốm của họa sĩ Nguyễn Tuấn đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Một triển lãm đẹp, ẩn chứa nhiều ý niệm sâu sắc nên thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật, công chúng.

Đến với cõi Phật

Triển lãm trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc tượng Phật với đủ dáng vẻ, biểu cảm. Các bức tượng có kích cỡ lớn, được chia thành 6 nhóm trưng bày khác nhau: "Giấc mơ Phật", "Đạo và đời", "Thiền định", "Phật vùng cao", "Rừng Phật". Tác giả giải thích, anh chọn tạo hình tượng Phật cho loạt tác phẩm của mình bởi có lần may mắn tham gia làm một số hạng mục điêu khắc nhỏ tại núi Yên Tử. Mỗi lúc làm việc được nghe tiếng kinh gõ mõ từ trong am vọng ra, hòa cùng mùi hương trầm thơm lãng đãng bay lên không trung, một mình trong không khí thanh tịnh và đầy tư tưởng về đạo lành, anh bất giác nghĩ suy về cuộc sống sâu hơn…

Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm.

Cũng trong lần đó, Nguyễn Tuấn được nghe những kiến giải về đời của sư thầy sống ở đây. Họa sĩ trẻ này đã cảm nhận những triết lý nhà Phật tuy có xa mà lại gần, nó nằm ngay trong bản thể mỗi cá nhân. Từ suy nghĩ ấy, mỗi tạo hình Phật của Nguyễn Tuấn đều mang dáng vẻ của con người. Anh nhìn thấy hình ảnh Phật trong giấc ngủ của cậu bé học việc nơi xưởng gốm của Tuấn "giấc ngủ của một đứa trẻ mới lớn bao giờ cũng mang nặng những hoài bão, trúc trắc". Có lẽ vì thế mà Nguyễn Tuấn làm triển lãm với mong muốn mọi người tìm đến được sự bình an, thanh thản. Nhóm "Phật vùng cao" lại gợi tới hình ảnh những em bé ở miền sơn cước với khuôn mặt mũm mĩm, bầu bĩnh, quấn chăn địu em sau lưng mà đi lom khom. "Đạo và đời" là hình ảnh những cô thôn nữ ở làng gốm… Mới vào phòng triển lãm, người xem có cảm giác như lạc vào một chốn thiền định thanh tịnh. Nhưng quan sát kỹ các tác phẩm lại thấy cái "đời", thấy hình ảnh cuộc sống với những cá nhân, bản thể sống của xã hội. Nhiều người nghĩ Nguyễn Tuấn làm ngược, không "lấy đời nói đạo" mà đi "lấy đạo nói đời". Có lẽ, việc "Nhìn cuộc sống nhẹ nhàng, nhân ái hơn" mới là điều Nguyễn Tuấn muốn nói.

Mơ về gốm

Triển lãm là kết quả một năm sáng tạo miệt mài của Nguyễn Tuấn tại làng gốm Phù Lãng. Anh đã dùng chất men gốm thô mộc nơi đây để sáng tạo ra những tác phẩm của mình. Từng tốt nghiệp khoa Gốm của ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, 10 năm nay, Nguyễn Tuấn chọn Phù Lãng để làm việc. Không chỉ là một nghệ sĩ tạo hình, anh am hiểu và thuần thục từng thớ đất và đủ các công đoạn để làm ra một sản phẩm. Gặp Nguyễn Tuấn tại triển lãm, tay anh vẫn còn băng bó một số chỗ, đó là những vết thương do làm việc với đất, lửa, do việc khuân vác các tác phẩm đồ sộ của mình vào lò nung. Sinh năm 1981 tại Hải Dương, Nguyễn Tuấn là người trẻ hiếm hoi sử dụng gốm làm chất liệu tạo hình. Anh đã "tậu" được xưởng gốm riêng tại Phù Lãng và bỏ phần lớn công sức, sáng tạo của mình nơi đây.

Nguyễn Tuấn có một mong muốn là tạo dựng được một thương hiệu gốm, nhưng không phải là những dòng sản phẩm gốm để sử dụng. Anh bày tỏ rằng thích làm những tác phẩm điêu khắc gốm nghệ thuật chỉ để trưng bày, sắp đặt, làm đẹp không gian.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Giấc mơ Phật” - giấc mơ gốm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.