(HNM) - Xăng lại tiếp tục tăng giá 1.200 đồng/lít, lần tăng thứ ba kể từ đầu năm và thứ hai kể từ đầu tháng 5.
Theo giải thích của cơ quan quản lý, giá xăng bán lẻ trong nước tăng là do giá xăng nhập khẩu trên thế giới cũng tăng mạnh trong vòng 15 ngày qua, trong đó xăng RON 92 là 83,97 USD/thùng. Quy đổi sang VND, sau khi cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức… giá cơ sở xăng RON 92 cao hơn giá bán lẻ 2.254 đồng.
Ảnh minh họa từ internet |
Ngay sau khi xăng tăng giá, dư luận đã có phản ứng tức thì. Báo chí so sánh giá bán xăng trong nước với giá dầu trên thị trường thế giới và cho rằng vào thời điểm trong nước tăng giá bán xăng thì giá dầu thế giới lại giảm. Có người so sánh giá bán lẻ trong nước với một số nước trong khu vực và thấy giá bán trong nước cao hơn vài nghìn đồng. Cùng với đó là nỗi lo các mặt hàng khác, đặc biệt là cước vận tải tăng giá theo xăng…
Chưa bàn đến chuyện xăng trong nước có đi ngược giá thế giới hay không, nhưng rõ ràng việc mỗi lần điều chỉnh giá xăng dư luận lại băn khoăn xuất phát từ việc người dân thiếu niềm tin vào doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Vẫn biết, vận hành trong nền kinh tế thị trường, lại phải nhập khẩu xăng phục vụ nhu cầu trong nước nên việc phụ thuộc vào biến động của giá thế giới là điều đương nhiên. Giá dầu, giá xăng thành phẩm trên thế giới tăng thì giá bán lẻ trong nước cũng tăng theo. Song có điều, mỗi lần giá thế giới tăng thì giá bán trong nước cũng tăng nhanh, kịp thời. Còn khi giá thế giới giảm thì giá bán trong nước lại "đủng đỉnh" và giảm nhỏ giọt. Một lần giá xăng tăng bằng mấy lần giá giảm, bảo sao người dân thiếu niềm tin vào doanh nghiệp. Thêm nữa, không hiểu có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào không, mà sau khi tăng thuế môi trường, giá bán xăng cũng tăng liên tiếp, gần bằng với mức thuế tăng. Trong khi đó, lúc điều chỉnh thuế, cơ quan quản lý khẳng định, việc tăng thuế không làm tăng giá bán.
Vẫn biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu dựa trên một chu kỳ nhất định, một thời gian nhất định chứ không phải căn cứ vào biến động từng ngày. Thời điểm công bố giá bán xăng trong nước không nhất thiết phù hợp với giá xăng thế giới thời điểm đó nhưng điều chắc chắn cần phải minh bạch là cách tính giá, thuế, chi phí… Các thông tin này cần được công khai hằng ngày trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cơ quan quản lý nhà nước để bất cứ người dân nào, khi cần tìm hiểu đều có thể truy cập. Mặt khác, cũng cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống, có như vậy mới không tạo ra những cú sốc giá như vừa qua. Vấn đề nữa là cần giám sát hiệu ứng tăng giá các mặt hàng khác từ giá xăng dầu.
Giá xăng dầu lên xuống theo giá thế giới là điều đương nhiên thì yêu cầu minh bạch của người dân cũng là một lẽ đương nhiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.