(HNMO) - Giá xăng, dầu thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh, trong đó dầu Brent đã vượt ngưỡng 68 USD/thùng. Dự kiến, trong phiên điều hành giá xăng, dầu của liên bộ Công Thương - Tài chính ngày 12-3, giá xăng, dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh nếu như không có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước trong trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thông tin giao dịch giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tính đến đầu giờ sáng 11-3 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5-2021 đứng ở mức 64,63 USD/thùng, tăng 0,21 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 10-3, giá dầu WTI giao tháng 5-2021 đã tăng tới 0,80 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5-2021 đứng ở mức 68,17 USD/thùng, tăng 0,27 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 0,86 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 10-3.
Nguyên nhân của việc tăng mạnh này là do có thông tin Nga và Saudi Arabia sẽ tăng cường hợp tác trong khuôn khổ OPEC+ nhằm ổn định giá dầu.
Cụ thể, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud cho biết Riyadh sẽ tiếp tục hợp tác với Moscow trong khuôn khổ OPEC+ nhằm bảo đảm ổn định giá dầu cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trước đó, giá dầu thế giới đã giảm mạnh khi thị trường lo ngại những bất đồng giữa Nga và Saudi Arabia có thể kéo đến một cuộc chiến giá dầu mới.
Bởi vậy, tại thị trường trong nước, do chủ trương điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nên dự kiến, kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 12-3 sẽ không nằm ngoài xu thế chung của thế giới.
Theo các chuyên gia, nếu liên bộ Công Thương - Tài chính không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5 RON 92 có thể tăng 570 đồng/lít, giá xăng RON 95 tăng 690 đồng/lít.
Thực tế, trong các kỳ điều hành gần đây, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức khá cao (tính từ kỳ điều hành ngày 11-1-2021 đến 25-2, Quỹ bình ổn giá đã chi từ 1.034 đồng đến 4.179 đồng/lít/kg).
Và kỳ điều hành vừa qua (25-2), nếu như không thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng E5RON92 sẽ là 19.031 đồng/lít (giá hiện hành là 17.030 đồng/lít vì Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã chi 2.000 đồng/lít).
Tương tự, giá xăng RON95 sẽ tăng 1.964 đồng/lít và giá bán là 19.234 đồng/lít (giá hiện hành ở thị trường trong nước là 18.080 đồng/lít vì Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã chi 1.150 đồng/lít). Giá dầu diesel 0.05S cũng vậy, sẽ tăng 1.651 đồng/lít và giá bán là 14.693 đồng/lít (giá hiện hành là 13.840 đồng/lít vì Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã chi 850 đồng/lít).
Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Cùng với đó, việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng nhằm hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần bình ổn giá hàng hóa sau Tết Nguyên đán, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Bởi vậy, trước kỳ điều hành giá xăng dầu tới đây, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đều mong muốn có sự can thiệp của cơ quan quản lý trong trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.