Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm: Đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp

Thanh Hải - Hồng Sơn| 11/07/2022 15:01

(HNMO) - Kể từ 0h ngày 11-7, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường đã đồng loạt giảm mạnh, tới hơn 3.000 đồng/lít đối với xăng RON95-III và hơn 3.100 đồng/lít đối với xăng E5RON92... Mức giảm sâu này thực sự là tin vui không chỉ đối với người dân mà cả cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải vốn đang gặp nhiều khó khăn từ dịch Covid-19.

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới sáng 11-7, tại nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng tập trung đông người đổ xăng vì giá xăng, dầu hạ. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ sự phấn khởi khi bớt đi một phần gánh nặng trong cuộc sống.

Anh Ngô Văn Hiếu, cư trú tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), bán hoa quả tại chợ Trung Hòa (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), bày tỏ vui mừng khi giá xăng giảm.

Anh Hiếu phấn khởi: “Hằng ngày, tôi đi bán hoa quả tại chợ này và chủ yếu sử dụng phương tiện xe máy. Bình thường khi giá xăng cao, tôi đổ đầy bình, khoảng 200.000 đồng, có thể di chuyển trong 2 ngày thì với việc giảm hơn 3.000 đồng/lít xăng, tôi cũng tiết kiệm được hơn 20.000 đồng/lần đổ xăng”.

Còn ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, bày tỏ hoan nghênh khi Bộ Tài chính đã sớm đưa ra kiến nghị giảm các loại thuế trong giá xăng dầu, chia sẻ với doanh nghiệp. Bởi chỉ trong hơn 1 tháng qua, giá xăng dầu đã tăng tới 15% là "quá sức chịu đựng của doanh nghiệp"; doanh nghiệp càng chạy càng lỗ, nhiều đơn vị gần như tạm dừng, giảm tần suất hoạt động tối đa.

"Với hai loại thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần tính đến việc kiến nghị triệu tập kỳ họp bất thường vì chúng tôi không thể đợi đến tháng 10, mà giá cứ liên tục tăng thì nhiều nguy cơ xảy ra khi gánh nặng chi phí rất lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp", ông Hiệp nói.

Đặc biệt, ông Hiệp kiến nghị, mức giảm thuế với xăng có thể 50% nhưng với dầu do không áp thuế tiêu thụ đặc biệt nên có thể tính toán để giảm tối đa thuế VAT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho hay, doanh nghiệp ngành Vận tải mong muốn cơ quan nhà nước nhanh chóng có giải pháp điều chỉnh thuế để kìm đà tăng giá xăng, dầu. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% sẽ tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,36%.

Vì vậy, việc giá xăng dầu giảm như lần này sẽ tác động tích cực và nhanh chóng đến CPI cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung.

Thông tin cụ thể hơn về đợt giảm giá xăng, dầu này, liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành vừa qua chịu tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị. Giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1-7 và ngày 11-7 là: 128,707 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 19,070 USD/thùng, tương đương giảm 12,90% so với kỳ trước); 136,530 USD/thùng xăng RON95 (giảm 18,314 USD/thùng, tương đương giảm 11,83% so với kỳ trước; 140,858 USD/thùng dầu hỏa (giảm 21,062 USD/thùng, tương đương giảm 13,00% so với kỳ trước); 146,705 USD/thùng dầu diesel (giảm 20,690 USD/thùng, tương đương giảm 12,36% so với kỳ trước); 533,750 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 72,645 USD/tấn, tương đương giảm 11,98% so với kỳ trước).

Ở trong nước, tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít.

Thời gian qua, trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các loại xăng dầu về mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 8-7-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo mức Chính phủ đề xuất và bắt đầu áp dụng từ ngày 11-7. Việc này góp phần hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước.

Liên bộ Công Thương - Tài chính cũng cho biết, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá đã được sử dụng liên tục để bình ổn giá xăng dầu trong nước nên số dư Quỹ bình ổn giá hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp, Quỹ bình ổn giá đã bị âm.

Để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, kỳ điều hành lần này, giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng giảm nên liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng dầu ở mức hợp lý, đồng thời vẫn ưu tiên giảm mạnh giá các mặt hàng xăng dầu...

Thực tế, việc xăng dầu giảm giá mạnh đã giúp nhiều gia đình tiết kiệm một khoản chi phí hằng tháng. Hơn nữa, việc giảm giá xăng dầu sẽ phần nào giảm bớt áp lực cho thị trường, bởi đây là mặt hàng có tác động lớn tới sự thay đổi giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ.

Tuy nhiên, dư luận đang mong mỏi việc ổn định giá xăng, dầu cần được cơ quan chức năng tính toán, duy trì nhằm hỗ trợ đời sống doanh nghiệp bởi việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế chỉ đến hết ngày 31-12-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng, dầu đồng loạt giảm: Đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.