Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá vé đường sắt đô thị cao hơn xe buýt từ 30-37%

Theo Tiền Phong| 06/04/2018 08:19

Chuẩn bị cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động từ tháng 9 tới, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) đang xây dựng phương án vận hành để trình Sở GTVT Hà Nội phê duyệt.

Theo lãnh đạo Hanoi Metro, có 93% ý kiến được hỏi mong muốn được sớm đi tàu đường sắt và chấp nhận mức giá vé cao hơn.


Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp quản tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để vận hành) cho biết, từ năm 2016 công ty đã cùng với Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) phối hợp xây dựng phương án vận hành tuyến đường sắt đầu tiên của Hà Nội. Hiện phương án đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị trình Sở GTVT cho ý kiến, phê duyệt để triển khai trong thời gian tới.

Theo ông Trường, toàn bộ nhân sự vận hành tuyến theo thiết kế đến thời điểm này là 681 người, trong đó có 11 nhân sự không phải đào tạo, 190 người được đưa đi Trung Quốc đào tạo, còn lại là học kỹ thuật vận hành ở trong nước. Tuy nhiên, do con số nhân sự này được tuyển dụng, đào tạo cách đây từ 1 đến 2 năm, do vậy trong thời gian chờ tuyến đi vào vận hành chính thức đã có 10 nhân sự địa phương nơi cư trú gọi đi nhập ngũ. Để bù vào số nhân sự bị thiếu hụt này, thời gian tới Hanoi Metro phải tuyển và đào tạo bổ sung.

Đề cập giá vé, ông Trường cho biết, Hanoi Metro đã xây dựng giá vé tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trên cơ sở khảo sát và lấy ý kiến của nhiều người dân, đặc biệt là đối tượng hành khách thường xuyên đi xe buýt như học sinh, sinh viên, giáo viên và công chức. Theo đó, qua khảo sát trên 1.500 người dân sống gần tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, có 93% ý kiến mong muốn sớm được đi lại bằng đường sắt đô thị. “Cùng với đó, các ý kiến được hỏi cũng sẵn sàng chấp thuận giá vé đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt 30-37%; giá vé tháng cao hơn 15 đến 20%”, ông Trường thông tin.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ bắt đầu vận hành kỹ thuật từ ngày 2-9-2018, thời gian vận hành kỹ thuật sẽ diễn ra từ 3 đến 6 tháng. Dự án có chiều dài 13 km đi trên cao, toàn tuyến 12 nhà ga và khu Depot. Điểm đầu dự án tại ga Cát Linh, điểm cuối tại Depot Yên Nghĩa (Hà Đông).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá vé đường sắt đô thị cao hơn xe buýt từ 30-37%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.