Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ nhiều công trình giao thông

Đình Hiệp| 09/06/2022 12:17

(HNMO) - Sáng 9-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự chủ trì, điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời.

Trong phiên chất vấn, vấn đề về tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ các công trình giao thông là các nội dung được đại biểu quan tâm.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) chất vấn.

Giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng tiến độ

Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) phản ánh về những tồn tại, hạn chế trong việc biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng trong thời gian qua, gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các giải pháp và thời gian để xử lý vấn đề này, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, do ảnh hưởng xăng dầu, chiến sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng giá đột biến. Hiện nay, hai bộ: Giao thông Vận tải và Xây dựng đã báo cáo Chính phủ, trong đó, Bộ Xây dựng tổ chức 7 đoàn kiểm tra ở các công trường. Theo quy định thông báo giá của địa phương là sau 1-3 tháng và có 37 địa phương thông báo giá hằng tháng, còn lại đều thông báo 3 tháng một lần. Bộ trưởng đề nghị, các địa phương mỗi tháng thông báo giá một lần để cập nhật biến động giá kịp thời hơn.

Dự án lớn đều ký hợp đồng theo điều chỉnh giá, địa phương thông báo kịp thời thì sẽ điều chỉnh kịp thời hơn. Tuy nhiên, thực tế là giá biến động nhanh, cơ chế vận hành chậm nên ít nhiều ảnh hưởng tới nhà đầu tư, nhà thầu.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các địa phương, nếu các địa phương thông báo kịp thời về giá vật liệu thì sẽ có can thiệp điều chỉnh sớm. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng. Chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án để kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại hạn chế và phòng ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Việc tham gia của các bộ, ngành sẽ làm tốt được vấn đề công khai, minh bạch, không ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà thầu.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) chất vấn.

Tranh luận tại hội trường về vấn đề liên quan đến giải pháp để hoàn thành tiến độ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong 360km đường cao tốc Bắc - Nam hoàn thành trong năm 2022 và phải trước tiến độ là 3 tháng. Tại cuộc kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ tại cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, yêu cầu của Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2024 hoàn thành 650km đường cao tốc.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Hùng nêu rõ, hiện tại, giá các gói thầu so với giá lúc trúng thầu cao tốc Bắc - Nam tăng 20-30%. Nguồn vật liệu hiện nay rất thiếu hụt. Trong 6 dự án cao tốc, hiện vẫn còn thiếu hụt đến 12,5m3. Đối với các dự án này, tuy các địa phương đã có quy hoạch nhưng nguồn cung cấp vật liệu rất khan do việc găm hàng, ép giá và vấn đề tăng giá đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung vật liệu cho các dự án.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Điều hành phiên chất vấn về lĩnh vực giao thông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm là do tăng giá vật liệu, nhà thầu cho biết, nếu làm thì sẽ không đủ phương án tài chính. 

“Thực tế như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và như Quốc hội nắm được, đối với các dự án này, các hợp đồng xây lắp đều có cơ chế điều chỉnh giá, chậm ở đây là do thủ tục, quy trình thôi, có phải thế không? Hay là các nhà thầu thiệt thòi. Cho nên phải nói cho rõ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, “dư luận và nhân dân nghĩ rằng, bây giờ ký hợp đồng và chọn thầu xong mà giá cao như thế thì nhà thầu như thế nào? Tất cả đều là hợp đồng điều chỉnh giá. Bây giờ trách nhiệm việc điều chỉnh giá có phải do giá tăng, giá giảm hay không? Các bộ, ngành, địa phương như thế nào, giải pháp khắc phục tới đây như thế nào?”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị vấn đề này cần phải tường minh, tránh gây hiểu nhầm nhà thầu như vậy là thiệt thòi. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ghi nhận công trình làm cho Nhà nước nhưng bây giờ giá tăng như vậy nên bị thua lỗ, thực tế hoàn toàn không có chuyện đó.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Các tuyến đường cao tốc mất cân đối giữa các vùng, miền

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) cho biết, việc triển khai thực hiện thu phí không dừng bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, việc này chưa hoàn thành; thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải hoàn thành trước ngày 30-6-2022 gần như không thể đạt được. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính của việc chậm trễ này?

Còn đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, giai đoạn 2021-2025, dự kiến triển khai trên 2.000km đường cao tốc, đây là vấn đề rất lớn dẫn đến áp lực về vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư, vật liệu thi công. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để giải quyết những khó khăn sẽ phát sinh trong thời gian tới để bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới chúng ta triển khai 2.000km cao tốc. Hiện đã có hơn 1.200km đường hoàn thành, đang triển khai 800km, tức là sẽ có khoảng 4.000km cao tốc hoàn thành, triển khai trong nhiệm kỳ này. Bộ trưởng thừa nhận, áp lực là khá lớn, nhưng không lo thiếu vốn do theo Luật Đầu tư công thì phải cân đối đủ vốn mới được phê duyệt đầu tư dự án. Cùng với đó, giải phóng mặt bằng cũng là thách thức, khi dự án giao thông đi qua nhiều địa phương, nên cần dồn toàn lực vào khâu này để có đủ mặt bằng sạch cho thi công.

Toàn cảnh phiên họp sáng 9-6.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các tuyến đường cao tốc đang còn mất cân đối giữa các vùng, miền, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, đúng như một số đại biểu đã chỉ ra, trong danh sách bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch này, khu vực phía Bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía Nam và miền Trung, Tây Nguyên.

Để khắc phục tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc hiện nay, Bộ trưởng cho biết, vừa qua một số tuyến cao tốc phía Nam đã được phê duyệt, mạng lưới đường bộ cao tốc trong quy hoạch đã được đánh giá, cân đối kỹ lưỡng về điều kiện khu vực, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền. Hy vọng rằng, với các quy hoạch điều chỉnh thì mạng lưới đường bộ cao tốc tại khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện hơn, nâng cao tính hấp dẫn khi thu hút đầu tư các tỉnh, thành trong khu vực…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ nhiều công trình giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.