Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá vàng "nhảy múa": Thận trọng với tâm lý đám đông

Đức Anh| 08/07/2016 06:54

(HNM) - Tâm lý đám đông vẫn được cho là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng đột biến những ngày qua.


Giá vàng có nhiều biến động lớn trong hai ngày qua. Ảnh: Khánh Huy


Brexit ám ảnh thị trường vàng

Hơn nửa năm qua, thị trường vàng trầm lắng, giá vàng quanh ngưỡng 32 triệu đồng/lượng, có nhích lên cũng chỉ ở mức 33-34 triệu đồng/lượng, chủ yếu do ảnh hưởng từ đà tăng của giá vàng thế giới. Những thông tin kinh tế khả quan, sự hồi phục của kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, cũng như đồng bạc xanh USD, đã khiến vàng gần như bị mất đi ưu thế hấp dẫn nhất. Nhà đầu tư nước ngoài quay lưng lại với vàng, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới đẩy mạnh bán vàng, giới đầu tư trong nước cũng không còn giữ thói quen găm giữ kim loại quý này. Sự thờ ơ của nhà đầu tư đã kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới, thậm chí có thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn thế giới. Khoảng cách chênh lệch 1 triệu đồng/lượng từng là kỳ vọng, khó xảy ra.

Tuy nhiên, từ sau sự kiện người dân Anh quyết định trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), thị trường vàng đã quay đầu đi lên. Không nhẹ nhàng như khi giảm giá, đà tăng của vàng phi mã. Ngày 23-6, giá vàng ở mức 33,94 triệu đồng/lượng (mua vào) - 34,04 triệu đồng/lượng (bán ra), đã leo lên 34,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,1 triệu đồng/lượng (bán ra) và giữ mốc 35 triệu đồng/lượng trong cuối tháng 6.

"Cơn bão" Brexit sau khi "quét" hơn 20 nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán thế giới, làm "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng của thị trường chứng khoán Việt Nam là động lực giúp vàng quay về vị thế là kênh đầu tư số một. Thậm chí, giới đầu tư dự báo, vàng sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt là khi giá vàng xuống thấp, nhà đầu tư không có nhu cầu mua vàng, nhưng khi giá vàng đảo chiều, giới đầu tư lại "đổ xô" mua.Có vẻ như tâm lý đám đông vẫn là yếu tố chi phối thị trường hàng hóa đặc biệt này. Nếu ngày 4 và 5-7, giá vàng tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, ngày 6-7, giá vàng được điều chỉnh liên tục, cuối giờ chiều "leo" lên gần 40 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chỉ tính từ ngày 1-7 đến hết ngày 6-7, giá vàng đã tăng hơn 4 triệu đồng/lượng, trong khi giá thế giới chỉ tăng 20-30 USD/ounce. Quy đổi giá thế giới ra VND theo tỷ giá của Ngân hàng Vietcombank, giá vàng trong nước đã bỏ xa thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và các loại chi phí khác.

Cần thận trọng khi đầu tư

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối - NHNN, giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với biến động tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, từ sau sự kiện Brexit đến sáng 5-7, giá vàng trong nước tăng chậm hơn, nhiều thời điểm còn thấp hơn giá vàng thế giới (có ngày thấp hơn 800 nghìn đồng/lượng). Nhưng từ chiều 5-7 đến ngày 6-7, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn, tác động đến tâm lý của thị trường. Mặc dù vậy, khối lượng vàng giao dịch không tăng đột biến, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng.

Theo bà Minh Khuê, chủ một cửa hàng vàng trên phố Hàng Bạc, số người mua vàng tăng mạnh khiến nguồn cung bị thiếu, là nguyên nhân khiến giá vàng tăng đột biến trong mấy ngày qua. Trước thông tin nhà đầu tư nước ngoài mua vàng để tránh hậu quả của Brexit, nhà đầu tư trong nước khó tránh khỏi tâm lý tìm đến vàng để bảo toàn vốn. Mặc dù ngày 7-7, giá vàng đã "hạ nhiệt" xuống 36,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,5 triệu đồng/lượng (bán ra), nhưng khoảng cách giữa giá mua và bán vẫn được các doanh nghiệp nới ra 1 triệu đồng/lượng, thay vì một vài trăm nghìn đồng/lượng trước đó. Chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và thế giới cũng rút ngắn còn khoảng 1 triệu đồng/lượng. Nếu mua vàng trong chiều 6-7, mỗi lượng đã bị mất 2 triệu đồng.

Về chính sách điều hành của NHNN, ông Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết. Thực tế cho thấy, giải pháp quản lý thời gian qua đã ổn định được thị trường vàng, giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, không còn đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế. Tình trạng "vàng hóa” nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. Dù từ tháng 2 đến đầu tháng 6-2016, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, nhu cầu mua vàng của người dân vẫn ở mức thấp, doanh số giao dịch chỉ bằng 50% so với cùng kỳ các năm trước. Như vậy, biến động thị trường trong mấy ngày qua chỉ là nhất thời. Những thông tin đa chiều từ thị trường thế giới đã tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Bởi vậy, người dân nên thận trọng để tránh bị thua thiệt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng "nhảy múa": Thận trọng với tâm lý đám đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.