Sáng 16-4, Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2024 và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 với chủ đề "Nâng tầm những giá trị cốt lõi", do Bộ Công Thương tổ chức, diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương.
Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2023 với 102%. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nhiều vấn đề như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương. Sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu.
“Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm...
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, doanh nghiệp cần quan tâm nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan. Trong đó, cốt lõi là bảo đảm chất lượng sản phẩm, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường... Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực, sản phẩm tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, nhất là thị trường trọng điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.