Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá trị “kim cương” với nhà mạng

Việt Nga| 23/04/2018 06:25

(HNM) - Dải băng tần 700MHz vốn được coi là có giá trị “kim cương” với các nhà cung cấp dịch vụ di động nếu đưa vào khai thác sử dụng. Vậy, khi nào có thể sử dụng băng tần “kim cương” này?

VNPT giới thiệu dịch vụ 4G tới người dùng.


Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), sau khi các nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ, mạng 4G LTE đã phủ sóng đến 95% dân số, nhưng tốc độ 4G trải nghiệm thì chưa thể có.

Sở dĩ như vậy là băng tần cho 4G còn hạn chế do 3 nhà mạng lớn Viettel, VNPT-VinaPhone, MobiFone đang phát triển 4G chủ yếu trên băng tần 1.800MHz, trong khi đó băng tần này vốn được dùng cho 2G. Do vậy, tỷ lệ băng thông dành cho phát triển 4G bị hạn chế, dẫn đến tốc độ sẽ bị giới hạn.

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã quy hoạch các băng tần 2,6GHz (2.600MHz), 2,3GHz (2.300MHz) và 700MHz đáp ứng các dịch vụ băng rộng di động 4G/5G. Trong đó băng tần 700MHz là băng tần quý đã được nhiều khu vực như Châu Phi, Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu sử dụng.

Sở dĩ băng tần 700MHz được coi là dải băng tần quý là do đặc điểm công nghệ băng tần 700MHz ở vị trí thấp nên có vùng phủ rộng hơn so với các dải băng tần ở vị trí cao. Khi băng tần này được đưa vào khai thác sẽ có suất đầu tư thấp do chỉ phải lắp đặt ít trạm thu phát sóng, giúp giảm chi phí cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Với đặc điểm đó, việc khai thác băng tần 700MHz phù hợp và có giá trị cho cung cấp truy cập vô tuyến băng rộng ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - những nơi có mật độ dân cư thưa hơn. Nếu được áp dụng, sẽ thúc đẩy nhà mạng triển khai dịch vụ rộng khắp và mạnh hơn, từ đó người dân các khu vực này sẽ được hưởng lợi và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, băng tần này lại ít có giá trị sử dụng ở thành phố, các đô thị, vì những khu vực này có mật độ cư dân đông, nên phải cần thiết kế dày trạm thu phát sóng mới đáp ứng được và như vậy chỉ băng tần 1.800MHz mới phù hợp.

Băng tần 700MHz vốn được dành cho phát triển truyền hình công nghệ tương tự (analog). Sau khi thực hiện “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” theo Quyết định 2451/2011/QĐ-TTg ngày 27-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay dải băng tần này đã, đang được “giải phóng”.

Trong kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông dành một phần băng tần này cho phát triển di động. Về cơ bản, năm 2019 có thể sử dụng băng tần 700MHz cho di động ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; sử dụng cho cả nước sẽ vào năm 2020.

Như đã nêu ở trên, trong kế hoạch dành băng tần cho phát triển 4G có các dải băng tần khác nhau, trong đó có băng tần 2.600MHz. Để phục vụ cho phát triển, cơ quan quản lý nhà nước đã quy hoạch băng tần này cho dịch vụ di động từ hàng chục năm trước. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch tổ đấu giá để các nhà mạng trong nước cung cấp dịch vụ và thu lại lợi nhuận cho nhà nước.

Lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai thủ tục để doanh nghiệp được khai thác băng tần 2.600MHz cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng.

Tuy nhiên, thời điểm mà cơ quan quản lý dự tính đem ra đấu giá lại trùng với Luật Tài sản công có hiệu lực, trong khi đó việc đấu giá lại là lần đầu tiên áp dụng với lĩnh vực tài nguyên tần số, vì thế đang gặp vướng mắc trong cách vận dụng, áp dụng như thế nào. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang báo cáo Chính phủ xin chủ trương, hướng dẫn từ các bộ ngành liên quan để thực hiện theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá trị “kim cương” với nhà mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.