Theo nguồn tin của Báo Hànộimới, việc đấu giá khối băng tần C3 (3800-3900MHz) theo kế hoạch vào 14h chiều nay, 14-3, sẽ không được thực hiện.
Nguyên nhân khiến vòng đấu giá khối băng tần C3 không thành là vì không đủ số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định.
Được biết, có một doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia đấu giá, do không nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá theo quy định. Do vậy, đơn vị tổ chức (Công ty Đấu giá hợp danh số 5 quốc gia) không tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) này.
Trước đó, ngày 17-1-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt và thông báo phương án đấu giá tần số với các băng tần 2500-2600MHz; 3700-3900 MHz. Theo đó, băng tần 2500-2600MHz có giá khởi điểm gần 3.984 tỷ đồng/khối; băng tần 3700-3900MHz (gồm 2 khối) có giá khởi điểm gần 1.957 tỷ đồng/khối.
Băng tần 2500-2600MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo (cho 4G và 5G). Băng tần 3700-3900MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) và các phiên bản tiếp theo.
Ngày 20-2, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 quốc gia đã thông báo về việc tổ chức đấu giá 3 khối băng tần trên, lần lượt vào các ngày 8-3, 14-3 và 19-3.
Tại phiên đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) còn được gọi là “băng tần vàng”, vào chiều 8-3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã trúng đấu giá với khối băng tần này.
Ngoài việc đấu giá khối băng tần C3 không thành ngày hôm nay, theo kế hoạch, khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) sẽ được đấu giá vào ngày 19-3 tới.
Cũng theo nguồn tin của Báo Hànộimới, Tổng công ty Viễn thông MobiFone có nộp tiền đặt cọc để tham gia đấu giá khối băng tần C3 này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.