Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá trị không thể đong đếm

Đan Nhiễm| 26/11/2010 07:42

(HNM) - Đây là nhận xét chung của nhiều người về sự cống hiến của những người vinh dự được nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt (NTĐV) 2010 như GS-TS Đào Tiến Khoa, GS-TS Bùi Chí Bửu, PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn và TS Phạm Mạnh Hùng. Ở góc độ nào đó, những nghiên cứu của họ đã góp phần đưa trình độ khoa học, công nghệ của Việt Nam tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới.


Cống hiến thầm lặng


Nhóm tác gi ca phn mm H thng s tư duy con người đot gii nht v CNTT ti L trao gii Nhân tài đt Vit năm 2010. nh: Minh Tú - TTXVN

Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu (Chủ tịch Hội đồng Giám khảo NTĐV) đánh giá rất cao cụm công trình nghiên cứu về phản ứng hạt nhân của GS-TS Đào Tiến Khoa (Viện KHKT hạt nhân). Ông cho biết, nếu không có sự vinh danh này, ít người trong nước biết được thế giới đánh giá cao thế nào về việc Việt Nam có một chuyên gia rất giỏi về vật lý hạt nhân (VLHN) như GS-TS Đào Tiến Khoa. Các nghiên cứu của GS-TS Đào Tiến Khoa được giới khoa học quốc tế trích dẫn gần 1.500 lần trong các công trình khoa học, một con số "như mơ" đối với giới học giả Việt Nam. Trong khi đó, VLHN là chuyên ngành khó, ít người biết và hiểu nhưng đang được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là trong y tế, công nghiệp và nông nghiệp.

GS-TS Bùi Chí Bửu (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam) được biết đến như là một trong những chuyên gia hàng đầu về lai tạo, chọn lọc giống lúa ở Việt Nam. Với đề tài "Chọn tạo giống lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long" (ĐBSCL) thực hiện trong nhiều năm, GS-TS Bùi Chí Bửu cùng nhiều đồng nghiệp khác đã góp công lớn trong việc nâng sản lượng lúa ở ĐBSCL từ 4 triệu tấn (năm 1975) lên 20 triệu tấn như hiện nay. "Kết quả này có được là nhờ các nhà khoa học đã tạo ra nhiều loại giống lúa mới và hoàn thiện hệ thống thủy nông. Đề tài của tôi có tính xã hội rất cao, với xuất phát điểm từ thành công trong các đề tài bảo tồn quỹ gen cây lúa và chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL. Sau đó, là nghiên cứu sâu về di truyền số lượng và di truyền phân tử làm nền tảng cho công tác chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL. Chính những thành công đó góp một phần nhỏ cho nền nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 7 thế giới như hiện nay" - GS-TS Bùi Chí Bửu chia sẻ.

Trong khi đó, danh hiệu NTĐV 2010 lĩnh vực y dược được dành cho PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn, TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Tim mạch Việt Nam) với "Kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng ống thông", một đề tài nghiên cứu giúp rút ngắn thời gian cấp cứu, điều trị bệnh nhân, cụ thể là với người bị nhồi máu cơ tim cấp, việc thông động mạch vành đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, mở thông động mạch vành càng sớm càng tốt mới có cơ hội cứu sống người bệnh. Giải pháp của PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn, TS Phạm Mạnh Hùng đưa ra đã khắc phục được những hạn chế trong quá trình điều trị trước đây, mang lại hiệu quả to lớn.

Theo TS Phạm Mạnh Hùng, thống kê năm 2009 cho thấy số lượng bệnh nhân khám và điều trị bệnh động mạch vành khoảng 5.000 người, trong đó có khoảng 3.000 bệnh nhân dùng phương pháp đặt ống thông và phương pháp này đang dần được hoàn thiện, nhân rộng. Sau khoảng 15 năm phát triển, từ một cơ sở ban đầu tại Hà Nội, hiện cả nước đã có 26 trung tâm điều trị tim mạch ứng dụng kỹ thuật nêu trên.

Người trẻ tiếp bước


Không như những người đoạt giải thưởng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và y dược, những tác giả đoạt giải NTĐV trong ngành công nghệ thông tin đều có tuổi đời trên dưới 30. Trong số này, giải nhất dành cho nhóm MIMAS với "Phần mềm Việt giúp vận hành thiết bị bằng ý nghĩ" được đánh giá rất cao về tính sáng tạo.

Theo Hoàng Anh Việt (sinh năm 1983), trưởng nhóm MIMAS, sản phẩm ra đời dựa trên ý tưởng xây dựng công cụ hỗ trợ cho người mắc một số bệnh liên quan đến thần kinh. Theo đó, hệ thống số hóa tư duy sẽ hỗ trợ cho người bệnh trong việc sử dụng ti vi, quạt, đèn điện... một cách đơn giản và hiệu quả. Riêng với người bị mắc một số bệnh thần kinh, hệ thống còn là công cụ hiệu quả để giám sát tình trạng sức khỏe của người bệnh từ xa. Nhóm MIMAS hy vọng trong tương lai không xa, khi các yếu tố liên quan hội đủ điều kiện thì những ứng dụng hiện nay sẽ trở thành công cụ giúp thay đổi toàn bộ phương thức giao tiếp giữa con người và máy móc, đặc biệt là trong lĩnh vực y học và an ninh.

Đoạt giải nhì duy nhất với phần mềm "Thế giới vận tải - Letgo24", Nguyễn Hoàng Khang (sinh năm 1983) cho biết: Đây thực chất là một kênh thông tin kết nối nhu cầu vận tải, đặc biệt là cho các chuyến "xe quay về" nhằm tăng doanh thu cho doanh nghiệp vận tải, đồng thời giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp hay chủ hàng. Giải pháp này nhằm khắc phục hiện trạng khoảng 30-40% số xe chở hàng chạy không tải trên lộ trình quay về sau khi trả hàng, do không có hàng hóa. Hiện Letgo24 đã được ứng dụng hơn 4 tháng qua ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội. Khoảng 50 đối tác là các công ty vận tải đã sử dụng thử phần mềm này.

Năm 2010, NTĐV bước sang năm thứ 6 với số lượng, chất lượng sản phẩm dự thi ngày càng tăng cao. Nói như GS-TS Đào Tiến Khoa, đây là giải thưởng của đất mẹ Việt dành cho những người con Việt Nam đã gắn cuộc đời mình với nghiên cứu khoa học, nhằm khích lệ và động viên các bạn trẻ đi vào con đường này. Công việc đó không dễ dàng, đôi khi là khổ hạnh và không mang lại khoản thu nhập như mong muốn, nhưng là một trong những ngành nghề cao đẹp nhất trong xã hội...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá trị không thể đong đếm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.