(HNM) - Vừa rồi, bạn đọc tình cờ phát hiện cuốn tiểu thuyết lịch sử "Cựu hoàng Bảo Đại" của tác giả Hoàng Trọng Miên mang "mũ" NXB Thời đại nhưng lời giới thiệu lại viết "NXB Thanh Hóa xin trân trọng gửi tới quý độc giả…". Có thể, có nhà sưu tập nào đó thích ấn phẩm "kỳ quặc" của NXB này. Còn với độc giả, rõ ràng nó đem lại sự khó chịu.
Đây tiếp tục là một ví dụ sống động nữa về mặt trái của liên kết xuất bản. Nên cơ sự này là do Nhà sách Văn Chương ở TP Hồ Chí Minh, đối tác liên kết với NXB Thời đại, đã dùng lời giới thiệu cũ của "Nhà" Thanh Hóa cho cuốn sách của "Nhà" Thời đại. Đặc biệt hơn, ấn phẩm với sự cắt ghép thiếu tôn trọng bạn đọc này đã được bán từ năm 2011 đến nay mà chưa nộp lưu chiểu ?! May là, những sai phạm này không thuộc về nội dung. Thử hỏi, nếu những cuốn sách có "vấn đề" mà cũng cứ "hồn nhiên" ra thị trường hàng mấy năm trời không được phát hiện, chậm được xử lý thì hậu quả thế nào và giải quyết ra sao? Theo phản ánh của bạn đọc, mặc dù cuốn sách ra đời cách đây gần 3 năm song khi nhận được thắc mắc, NXB Thời đại đã xác minh và hồi âm kịp thời cho độc giả, thừa nhận tác phẩm là sản phẩm liên kết nhưng đơn vị đã không kiểm tra sản phẩm cũng như sâu sát trong việc nộp lưu chiểu. NXB sẽ yêu cầu đối tác liên kết phải sửa sai… Còn nhớ chuyện, NXB Trẻ cũng từng "cúi đầu xin lỗi bạn đọc" và thấy "xấu hổ"… khi nhận được thông tin có nhiều lỗi trong một bộ sách sử do đơn vị xuất bản.
Độc giả không mong muốn nhận được những lời xin lỗi. Nhưng khi đã sai, lỗi dù lớn hay nhỏ, thì việc xin lỗi và sửa sai là việc quan trọng nhất để đơn vị xuất bản lấy lại niềm tin của người đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.