(HNMO) - Sau một thời gian hạ nhiệt, khoảng 2 tuần trở lại đây, giá thịt lợn bắt đầu có xu hướng tăng mạnh - gần 10.000 đồng/kg so với tháng 11-2020. Dự báo trong những ngày cận Tết, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, thì giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, áp lực với mặt hàng thịt lợn vẫn còn nhưng không quá lớn như dịp đầu năm 2020 và giá sẽ không tăng đột biến.
Giá thịt lợn bắt đầu tăng
Ngày 6-1, giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước tiếp tục tăng nhẹ. Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc, giá dao động trong khoảng 77.000-81.000 đồng/kg; tại miền Trung và Tây Nguyên là 74.000-78.000 đồng/kg; còn tại miền Nam là 74.000-76.000 đồng/kg.
Như vậy, nếu so với cách đây hơn hai tuần, giá thịt lợn hơi đã tăng 6.000-10.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Trong đó, tại các tỉnh miền Bắc, giá thịt lợn hơi được thu mua cao nhất.
Theo ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai, Hà Nội), hiện nay các trang trại chăn nuôi của hợp tác xã đang bán lợn hơi với giá 80.000-81.000 đồng/kg. Tuy nhiên, một số chủ trang trại chưa muốn bán mà chờ giá tăng lên nữa. Nhưng dự báo vào các ngày cận Tết, giá thịt lợn hơi cũng chỉ ở mức 83.000-85.000 đồng/kg.
Ở góc độ của nhà sản xuất thực phẩm, ông Nguyễn Đức Toàn, chủ cơ sở sản xuất giò chả Đức Tín (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông bán khoảng một tấn giò chả các loại. Tuy nhiên, vào các tháng cuối năm, cơ sở tiêu thụ 2-3 tấn giò chả, xúc xích... nên để bảo đảm đủ lượng hàng, cơ sở bắt đầu đặt thịt lợn ở các trang trại với giá hơn 80.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi tăng, nên giá thịt lợn bán ở các chợ dân sinh cũng bắt đầu tăng. Bà Nguyễn Thị Thịnh, kinh doanh thịt lợn ở chợ Xanh (phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội), cho biết, cách đây hai tuần, giá thịt lợn móc hàm ở mức hơn 80.000 đồng/kg, đến hôm nay (6-1) đã vào khoảng 100.000-105.000 đồng/kg, dự báo vào các ngày cận Tết có thể tăng tới 120.000 đồng/kg. Như vậy, khi đến tay người tiêu dùng, giá thịt lợn sẽ ở mốc 130.000-180.000 đồng/kg tùy từng loại.
Về nguyên nhân giá thịt lợn hơi tăng thời gian qua, các chủ trang trại có chung nhận định là do nhu cầu tiêu dùng tăng khá mạnh vào các tháng cuối năm. Cùng với đó là việc các công ty kinh doanh thực phẩm tăng cường mua thịt lợn để chế biến các loại thực phẩm như: Xúc xích, giò chả, dăm bông... phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đang đến gần.
Cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết năm 2020, tổng đàn lợn nái của Việt Nam đã lên đến 3 triệu con, tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 26 triệu con, bằng 85% so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn cả nước có 5,55 triệu con, chiếm 23% tổng đàn lợn của cả nước. Như vậy, so với lúc trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn ở các doanh nghiệp tăng 160%.
Trong thời gian tới, nguồn cung sẽ tiếp tục tăng, bởi đến nay, 96% số xã trên cả nước cơ bản khống chế được bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Đây là điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi tiếp tục tái đàn, tăng nguồn cung phục vụ thị trường Tết Nguyên đán và các tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, để điều tiết cung - cầu và bình ổn giá thịt lợn, các cơ quan chức năng đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu hơn 212.000 tấn thịt lợn, chiếm khoảng 5,6% sản lượng thịt nhập khẩu năm 2020; đồng thời cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước.
Ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 đạt khoảng 3.459 nghìn tấn, tăng 3,9% so với năm 2019; cùng với nguồn thịt lợn nhập khẩu, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết và các tháng đầu năm 2021.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường, hiện nay, sản lượng thịt lợn xuất chuồng trên địa bàn thành phố đạt khoảng 17.500 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng một tháng khoảng 18.594 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu. Để bảo đảm nguồn cung còn thiếu, Hà Nội đã liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp khoảng 1.094 tấn/tháng (chiếm 5,8%). Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương kiểm soát dịch bệnh; đẩy mạnh tái đàn lợn ở các trang trại chăn nuôi lớn theo hướng an toàn sinh học.
Ở khâu phân phối, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định, sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 20% trở lên, trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn. Về giá cả, do nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch cùng với các chương trình chuẩn bị Tết khá chu đáo nên sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thịt lợn và sản phẩm thịt lợn trong nước và qua biên giới. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, để không xảy ra tình trạng tăng giá, sốt giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.