(HNM) - Ùn tắc, tai nạn giao thông trên các cây cầu đang ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông chung của TP Hà Nội. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông và cả một số bất cập trong tổ chức giao thông cần sớm được khắc phục.
Ùn tắc nghiêm trọng, các phương tiện lấn làn trên cầu Vĩnh Tuy. |
Nguyên nhân từ nhiều phía
Cuối tháng 10-2018, có mặt tại cầu Chương Dương, phóng viên ghi nhận tình trạng ùn ứ giao thông tại cả hai đầu cầu. Người điều khiển xe ô tô lấn sang làn đường dành cho xe thô sơ, xe máy và ngược lại. “Cứ giờ cao điểm buổi sáng thì ùn ứ ở hướng đi từ quận Long Biên sang quận Hoàn Kiếm và buổi chiều thì ùn ứ ở chiều ngược lại. Xe ô tô chiếm hết làn đường nên chúng tôi buộc phải đi vào làn của ô tô hoặc đi lên vỉa hè của đường dẫn lên cầu ở phía quận Long Biên” - anh Ngô Văn Chính (ở quận Long Biên) nói.
Theo Thượng úy Nguyễn Quang Trung, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội), cầu Chương Dương là tuyến giao thông cửa ngõ vào nội thành nên lưu lượng người, mật độ phương tiện rất đông. Trong khi đó, ý thức người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế, tình trạng lấn làn, đi sai làn đường diễn ra phổ biến, dẫn đến xung đột giao thông, gây ùn ứ vào giờ cao điểm. Đây cũng là tình trạng phổ biến ở cầu Vĩnh Tuy và đường dành cho xe máy của cầu Long Biên.
Nguyên nhân chủ quan này cũng khiến cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc. Điển hình là sự việc xảy ra giữa tháng 12-2017, một lái xe ô tô sau khi đi sai làn đường (dành cho xe máy) đã “hồn nhiên” dừng xe, tháo dải phân cách để di chuyển xe sang làn dành cho ô tô, gây ùn tắc nghiêm trọng. Lái xe sau đó đã bị Đội Cảnh sát giao thông số 14 ra quyết định xử phạt 1 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1 tháng. Sự việc cho thấy ý thức của người điều khiển phương tiện còn nhiều hạn chế. Điều này không phải không có cơ sở khi ngày 14-10, vì không bảo đảm khoảng cách an toàn nên một tai nạn liên hoàn giữa 6 xe ô tô đã xảy ra trên cầu Thanh Trì khiến giao thông ùn tắc suốt 3 giờ đồng hồ. Ngoài ra, tại các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Thăng Long đều xuất hiện tình trạng xe khách chạy rất chậm để "bắt" khách và đây cũng là nguyên nhân gây tai nạn, ùn tắc...
Phân tích thêm nguyên nhân của những vụ tai nạn trên cầu trong thời gian qua, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông) cho rằng, hầu hết xuất phát từ người lái xe với các lỗi điển hình như: Chủ quan, lơ là trong xử lý tình huống; lái xe liên tục nhiều giờ nên mệt mỏi, ngủ gật; chạy quá tốc độ, lấn làn, lấn đường... Gần đây nhất, chiều 22-10, xe khách biển kiểm soát 19B-000.56 đang chở hàng chục hành khách lưu thông trên cầu Nhật Tân, hướng từ trung tâm TP Hà Nội sang huyện Đông Anh đã bất ngờ mất lái, đâm vào dải phân cách giữa cầu. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến giao thông qua cầu Nhật Tân bị ùn tắc khá lâu.
Về khách quan, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, trên đoạn đường dẫn vào đầu cầu lái xe phải tăng tốc để lên dốc và khi xuống dốc, tốc độ phương tiện cao hơn, bởi vậy rủi ro gặp va chạm sẽ cao hơn khi đi trên đường bình thường. Mặc dù hầu hết các cây cầu vào nội thành Hà Nội đều được xây dựng gần đây với kiến trúc hiện đại, đồng bộ nhưng không vì thế mà không có bất cập. Phần không gian dành cho xe máy và xe thô sơ không nhiều, một số nơi, xe ô tô phải lưu thông chung trên mặt cầu, dẫn tới khả năng va chạm lớn như ở cầu: Nhật Tân, Vĩnh Tuy...
Quyết liệt các giải pháp
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, để giảm tai nạn, ùn tắc giao thông trên cầu, cần tập trung một số giải pháp như tổ chức giao thông hai đầu cầu hợp lý hơn; tăng cường đào tạo và tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho người lái xe; lắp đặt camera để giám sát, phạt nguội các vi phạm trên cầu và khu vực xung quanh cầu, đặc biệt với vi phạm của các chủ xe kinh doanh vận tải.
Hàng dài phương tiện bị ùn tắc sau tai nạn xe khách trên cầu Nhật Tân. |
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường xử lý các lỗi và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép, dừng đỗ phương tiện sai phép, chở hàng hóa quá tải, quá khổ, lấn làn, đi sai làn đường...
Các chốt Cảnh sát giao thông, bảo vệ tại các cầu được tăng cường về lực lượng, trang bị các thiết bị để thông tin nhanh, chính xác về Trung tâm Thông tin chỉ huy của Công an thành phố để kịp thời có những thông tin hướng dẫn, chỉ đạo. Công an thành phố cũng yêu cầu lực lượng công an nơi có các cây cầu qua sông Hồng chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông giải tỏa ùn tắc, phân luồng, hướng dẫn phương tiện từ xa nếu có sự cố trên cầu.
Theo Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, tuân thủ quy định của pháp luật, chỉ dẫn của biển báo và lực lượng chức năng khi đi trên cầu. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát để có những tham mưu, đề xuất biện pháp khắc phục kịp thời những bất cập phát sinh trong công tác tổ chức giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.