Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng tình trạng mắt bị lác ở trẻ

Thu Trang| 19/06/2023 06:26

(HNM) - Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, thời điểm nghỉ hè hiện nay, trẻ đến khám và mổ mắt lác ở một số bệnh viện chuyên khoa tăng gấp 5 lần so với các thời điểm khác trong năm. Điều đáng nói, hiện tượng lác mắt ở trẻ ngày càng tăng nhưng nhiều gia đình đưa trẻ đi khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực.

Khám nhược thị cho bé N.G.L (6 tuổi ở Bắc Ninh) tại Bệnh viện Đông Đô. Ảnh: Thu Trang

60-70% trẻ bị lác kèm theo tật khúc xạ

Bé N.G.L (6 tuổi ở tỉnh Bắc Ninh) vừa được mẹ đưa đến khám tại Trung tâm Mắt kỹ thuật cao của Bệnh viện Đông Đô (Hà Nội) trong tình trạng mắt trái gần như không nhìn thấy gì, thị lực mắt phải còn khoảng 5/10. Các bác sĩ tại đây cho biết, bé L bị đục và lệch thủy tinh thể bẩm sinh. Tuy nhiên, do không được phát hiện từ sớm gây ra viễn thị, nhược thị, lệch khúc xạ giữa hai mắc cao và dẫn đến bị lác. Bệnh nhi được bác sĩ chỉ định tập nhược thị để mắt phục hồi thị lực, sau đó mới tiến hành phẫu thuật chỉnh lại độ lác.

Còn với bệnh nhân L.T.L (19 tuổi ở tỉnh Lai Châu) ngay từ khi chào đời, gia đình đã phát hiện em bị lác giống bố. L kể: “Khi đi học em luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti và ngại giao tiếp vì bị các bạn trêu là “lé”, “lác”. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đến bây giờ, em mới được đi khám và chữa trị”. Tại buổi khám trước mổ, L được bác sĩ kết luận bị lác, có chỉ định mổ mắt trái để đưa mắt về thẳng trục, giúp phục hồi và tăng cường thị lực.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thúy Quỳnh, Trung tâm Mắt kỹ thuật cao (Bệnh viện Đông Đô) cho biết, nghỉ hè cũng là thời điểm trẻ đến khám các tật khúc xạ gia tăng, trong đó có mắt lác. Hiện, tại đây trung bình khám cho khoảng 20 trẻ/ngày. Điều đáng nói, nhiều gia đình do điều kiện kinh tế và hiểu biết hạn chế nên trẻ bị lác không được khám và can thiệp kịp thời dẫn đến thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, có trường hợp trẻ bị lác và thị lực chỉ còn 2/10 nhưng cha mẹ lại cho rằng, con họ vẫn nhìn thấy được nên bỏ qua, không đưa đi khám và chữa trị.

Tại Bệnh viện Mắt trung ương, vào mùa hè, trẻ đến khám và mổ mắt lác cũng tăng khoảng 5 lần so với thời điểm khác trong năm. Bình thường, các bác sĩ tại đây chỉ mổ 1 ca/ngày nhưng vào thời điểm nghỉ hè mổ khoảng 5 ca/ngày. PGS.TS Hà Huy Tài, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, người dân vẫn quan niệm rằng, mắt lác chỉ là vấn đề thẩm mỹ, do đó để khi trẻ lớn điều trị cũng được. Thậm chí, nếu bác sĩ không phải chuyên khoa mắt cũng sẽ khuyên người bệnh chờ đến lớn hãy đi mổ. Thế nhưng, lác mắt không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Khi thị lực giảm, khả năng phân biệt khoảng cách kém, các cơ vận nhãn bị rối loạn rất dễ dẫn đến nhược thị. Từ đó, ảnh hưởng nhiều đến việc học tập và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

PGS.TS Hà Huy Tài (Bệnh viện Mắt trung ương) khám, tư vấn biện pháp phòng tránh các bệnh lý về mắt cho trẻ. Ảnh: Lộc Xuân

“60-70% trẻ bị lác sẽ kèm theo tật khúc xạ, lác trong kèm theo viễn thị, lác ngoài kèm theo cận thị. Ngược lại, trẻ bị tật khúc xạ cũng dễ gây ra lác mắt. Đặc biệt, hai mắt lệch khúc xạ, tức là hai mắt đeo kính số khác nhau càng dễ gây ra lác. Có những trường hợp, trẻ đến khám kính vì tật khúc xạ nhưng bác sĩ lại phát hiện ra bị lác”, PGS.TS Hà Huy Tài lưu ý thêm.

Mổ lác không chỉ là vấn đề thẩm mỹ...

Theo thống kê, ở nước ta có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Lác mắt là tình trạng hai mắt không thẳng hàng ở tư thế nguyên phát (nhìn thẳng về phía trước), một mắt lệch so với mắt còn lại. Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như tật khúc xạ (cận thị, viễn thị) không được điều trị, tổn thương ở dây thần kinh vận nhãn gây liệt cơ vận nhãn hoặc có các bệnh lý bẩm sinh tại mắt như đục thủy tinh thể…

PGS.TS Hà Huy Tài cho rằng, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến bị lác có 30% do di truyền. Nếu hai bố mẹ bị lác, chắc chắn con cũng bị lác. Để nhận biết bị lác, khi người bệnh tự soi gương hoặc người khác nhìn thấy mắt bị lệch. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp lác ẩn thì cần phải thăm khám chuyên khoa mới có thể phát hiện được. Quy trình khám lác là đo thị lực, đo độ lác, đo liệt điều tiết xem nguyên nhân có do cận thị, loạn thị, do điều tiết không… để đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Theo các bác sĩ nhãn khoa, hiện có hai phương pháp chính điều trị lác mắt, đó là chỉnh kính và phẫu thuật. Trong đó, phương pháp phẫu thuật chỉnh mắt lác được áp dụng khi các phương pháp trên không đạt được kết quả mong muốn hoặc nguyên nhân gây lác mắt là do bất thường của cơ, thần kinh. Mổ mắt lác thường diễn ra trong khoảng từ 20 đến 40 phút với tỷ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị tái lác sau mổ.

“Lác không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà nghiêm trọng hơn là làm giảm thị lực. Tuy nhiên, nếu trẻ được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ chữa được lác khá cao. Thời điểm phẫu thuật lác tốt nhất là trước 5 tuổi. Sau mổ, người bệnh cần kiêng xem ti vi, hạn chế sử dụng điện thoại và phải tái khám định kỳ theo hướng dẫn”, PGS.TS Hà Huy Tài khuyến cáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng tình trạng mắt bị lác ở trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.