Y tế

Gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ những ngày giáp Tết

Thu Trang 26/01/2025 - 11:14

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do đuối nước, bỏng, ngộ độc, sặc dầu thắp hương, chấn thương do pháo nổ, hóc dị vật...

gap-di-vat.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba (Hà Nội) gắp dị vật trong tai một bệnh nhi. Ảnh: Thu Trang

Đủ kiểu hiểm họa “tấn công” trẻ

Chỉ trong khoảng 10 ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận gần 20 bệnh nhi bị bỏng, đuối nước, ngộ độc, tai nạn giao thông…

Đơn cử như trường hợp của bé trai (12 tuổi ở Hà Nội) bị bỏng nước sôi độ II và III ở nhiều vùng cơ thể, bao gồm: Đầu, cổ, vai, ngực hai bên và cẳng bàn tay phải. Trước đó, khi tự tắm bằng vòi hoa sen ở nhà, trẻ không may bị bỏng.

Tương tự, bé trai (8 tuổi ở Nam Định) đang đi bộ trên đường thì không may xảy ra va chạm với xe máy. Sau tai nạn, trẻ đau đầu, kích thích vật vã, sưng nề vùng hàm mặt cùng nhiều vết thương trên cơ thể.

Bệnh nhi này được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh để sơ cấp cứu, sau đó chuyển đến khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương). Tại đây, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán, trẻ bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.

di-vat-gay-tac-duong-tho-o-tre.jpg
Các dị vật được lấy ra từ cơ thể trẻ. Ảnh: Bệnh viện Nhi trung ương cung cấp

Ngoài ra, tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng đã tiếp nhận 2 bé là D.B (18 tháng tuổi ở Yên Bái) và G.K (16 tháng tuổi ở Thái Nguyên) vào viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, hôn mê và suy giảm tri giác do uống nhầm dầu thắp đèn bàn thờ.

Hai bệnh nhi nói trên đều uống nhầm dầu thắp đèn đựng trong những chai, lọ được gia đình sang chiết nhưng không dán nhãn và để trong tầm với của trẻ.

Cũng do vui chơi không có sự giám sát của người lớn nên 3 bệnh nhi, gồm 2 bé ở Hà Nội và 1 bé ở Mộc Châu (Sơn La) đã bị ngã xuống hồ cá Koi, ao hồ và bị đuối nước.

3 bệnh nhi này đều được đưa đến khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều đáng nói là sau khi bị đuối nước, 3 trẻ đều không được sơ cứu đúng cách bằng thổi ngạt, ép tim ngay mà bị bế dốc ngược chạy…

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, năm nào cứ vào những ngày cận Tết, khoa Cấp cứu và Chống độc cũng tiếp nhận rất nhiều trẻ bị tai nạn thương tích. Những tai nạn này có thể là bỏng, gãy xương, vết thương ngoài da, ngộ độc, hóc dị vật…

“Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân, đặc biệt với những trẻ sống ở các đô thị lớn, khi về quê đón Tết cùng gia đình tại các vùng nông thôn có môi trường mới nhiều điều lạ và cũng có nhiều nguy cơ hơn như ao, hồ, cây cối… Trong khi đó, người lớn vì bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng cảnh báo.

Cùng với các tai nạn trong sinh hoạt, thời gian gần đây, các bệnh viện cũng liên tục tiếp nhận nhiều ca tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ.

Thống kê tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức trong ba tháng cuối năm 2024 đã tiếp nhận 21 ca tai nạn do pháo nổ, trong đó hơn 50% số nạn nhân là trẻ em. Ngay thời điểm giáp Tết, Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức cũng tiếp nhận nhiều ca chấn thương nghiêm trọng do pháo nổ.

Điển hình là nam thiếu niên 16 tuổi (ở Hà Nam) do sử dụng pháo tự chế dẫn đến bị chấn thương nặng, mất các ngón tay cùng nhiều chấn thương khác.

Các bác sĩ cảnh báo, tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, ở nhiều vị trí như bàn tay, mặt, toàn thân… khiến việc điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề.

tai-nan-phao-no.jpg
Thiếu niên 16 tuổi bị chấn thương nặng, mất các ngón tay do pháo nổ tự chế. Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cung cấp

Các cách phòng tránh để đón Tết an vui

Trong số các tai nạn thương tích thường gặp thì hóc dị vật là tai nạn phổ biến ở trẻ nhỏ vào những dịp Tết. So với thời điểm bình thường khác trong năm, số ca mắc dị vật những ngày Tết thường tăng hơn. Nguyên nhân vào dịp Tết, tại các gia đình hay có bánh mứt, trái cây, các loại hạt bí, hạt dưa, đậu phộng, thạch... là những món ăn dễ trở thành tác nhân gây ra hóc dị vật đường thở ở trẻ.

Vì vậy, để phòng tránh hóc dị vật ở trẻ, cha mẹ cần để ý đến trẻ, luôn để trẻ trong tầm quan sát của mình. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp phòng ngừa như cất những vật dụng, để những món ăn… có nguy cơ thành dị vật đường thở xa tầm tiếp cận của trẻ.

Cùng với nguy cơ hóc dị vật, những ngày cận Tết, gia đình nào cũng bận rộn dọn dẹp nhà cửa, hóa chất để bừa bãi nên trẻ lấy ra nghịch, hóa chất đổ lên da, rơi vào mắt hoặc trẻ uống nhầm.

Các loại hóa chất trẻ uống nhầm thường là dung dịch lau rửa nhà cửa, dầu hỏa, xăng, ít gặp hơn là axít, thuốc tẩy, thuốc trừ sâu… Vì vậy, để phòng tránh tai nạn này, theo khuyến cáo của các chuyên gia, các gia đình không nên đựng hóa chất trong các chai nước uống và nên dán nhãn để tránh nhầm lẫn ngay cả với người lớn. Đặc biệt, tất cả các loại hoá chất cần có chỗ để riêng, có khóa, đặt xa tầm tay trẻ.

Cũng trong dịp Tết, tai nạn do pháo tự chế luôn tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường. Do đó, người dân không nên tự ý chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ trái phép, đặc biệt là pháo tự chế. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo lậu và cần hướng dẫn con em tránh xa các hành động nguy hiểm này để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Cha mẹ cần tuyệt đối cấm trẻ em tiếp cận hoặc sử dụng pháo, đồng thời giáo dục trẻ nhận thức được mối nguy hiểm này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ những ngày giáp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.