(HNMCT) - Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã đạt hiệu quả tốt. Kết quả đáng khích lệ cho thấy việc học tập suốt đời không chỉ phụ thuộc vào trường lớp, sách vở mà còn từ những hoạt động trải nghiệm, giao lưu, kết nối...
Đưa sách đi tìm người
Thực hiện phương châm “đưa sách đi tìm người”, những năm vừa qua, hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ người dân, đặc biệt là giới trẻ. Với mục tiêu phát triển văn hóa đọc và tự học, các hoạt động “học tập suốt đời” có nhiều nội dung sáng tạo nhằm thu hút người dân.
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thời gian qua các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện được đẩy mạnh, nhờ đó số lượng thư viện cấp xã, phòng đọc cơ sở, thư viện tư nhân đã tăng nhanh chóng, cùng với đó là sự phát triển của mô hình tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh... Mạng lưới thư viện góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, ngành Thư viện đã liên tục đổi mới hoạt động theo hướng phát huy nguồn lực thông tin hiện có, tăng cường luân chuyển sách, tổ chức thư viện lưu động đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trường học, bệnh viện, trại giam... nhằm trao “chìa khóa” học tập suốt đời cho người dân. Bởi thế, so với năm 2014, khi Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” bắt đầu được triển khai, hiện tổng số bạn đọc đến thư viện công cộng có sự gia tăng vượt bậc - tăng 96%; tổng số sách, báo luân chuyển tại thư viện công cộng tăng 53% so với năm 2014.
Song, với công cuộc “đưa sách đi tìm người”, nếu chỉ dừng ở việc đầu tư cho hệ thống thư viện, nhà văn hóa... thì sẽ khó thu hút bạn đọc như yêu cầu đề ra. Giờ đây, các thư viện không chỉ duy trì hoạt động tĩnh mà còn phải đẩy mạnh các chương trình khuyến đọc, khuyến học thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, các cuộc trưng bày, triển lãm, các buổi giao lưu giới thiệu tác giả - tác phẩm, các hội thi như "Đọc một cuốn sách - đi muôn dặm đường", "Kể chuyện sách hè", "Gia đình đọc sách", "Kiến thức muôn màu", các chuyên mục giới thiệu sách trên sóng phát thanh và truyền hình và trên mạng xã hội... Hơn nữa, cần phải tính đến các hoạt động ngoài thư viện như tổ chức câu lạc bộ kỹ năng sống, sinh hoạt chuyên đề... nhằm thu hút bạn đọc đến với thư viện.
Tăng tính trải nghiệm
Hiện nay, việc phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời đã có được sự kết nối ở nhiều cấp, nhiều ngành. Ví như, các hoạt động bảo tàng không dừng ở nội dung trưng bày, không đơn thuần là nơi lưu giữ những di sản vật chất và tinh thần về lịch sử, văn hóa nữa, mà bảo tàng còn là trung tâm thông tin, là trường học, là “cuốn sách lớn” của công chúng. Nhiều bảo tàng đã chủ động đưa di sản tới cơ sở thông qua các triển lãm lưu động, liên kết với ngành Giáo dục và các địa phương để tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, sinh hoạt cuối tuần, thi tìm hiểu lịch sử, trải nghiệm văn hóa...
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: “Ngay từ khi Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” được triển khai thực hiện, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động như trưng bày ngoài trời có ứng dụng công nghệ mới, trưng bày chuyên đề lồng ghép hoạt động giáo dục trải nghiệm... Nhờ những hoạt động này, khách đến bảo tàng có cơ hội tương tác, khám phá, trải nghiệm di sản văn hóa”. Thực tế, các chương trình tham quan, trải nghiệm như "Chiếc cày và người nông dân", "Khung dệt xưa và nay", "Chợ quê", "Những chú rối tinh nghịch"… cho phép khách tham quan tham gia nhiều hoạt động bổ ích như xay ngô nấu mèn mén, nấu cơm bếp Hoàng Cầm, giã gạo, đào hầm, vẽ tranh dân gian, làm mũ rơm...
Những trải nghiệm này giúp cho khách tham quan, đặc biệt là các học sinh, sinh viên thẩm thấu lịch sử, văn hóa một cách cô đọng, dễ nhớ, dễ hiểu. Học lịch sử, văn hóa từ các trang sách, song chính các hoạt động trải nghiệm tái hiện lịch sử giúp mỗi người hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn, để rồi lại trở về với sách vở bằng các bài viết, ảnh chụp, các báo cáo hoạt động, tập làm phóng viên nhí, thử làm cán bộ bảo tàng, làm nhà khảo cổ... Giáo dục trải nghiệm đang là một trong những hoạt động chủ lực để thu hút khách đến với các bảo tàng. Như câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử tại bảo tàng” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hằng năm đón hàng trăm đoàn học sinh đến học tập, tham gia trải nghiệm.
Hoạt động sôi nổi của hệ thống thư viện, bảo tàng cho thấy, muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ thì sự phối hợp triển khai hoạt động giữa các thiết chế văn hóa là vô cùng quan trọng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà ngành Văn hóa đã đặt ra trong thời gian tới đây nhằm tạo thuận lợi cho người dân học tập suốt đời, góp phần khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.