Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng căng thẳng Serbia - Kosovo: Phủ bóng tiến trình bình thường hóa quan hệ

Quỳnh Dương| 29/05/2023 06:47

(HNM) - Tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ kéo dài 12 năm giữa Serbia và Kosovo có nguy cơ đình trệ khi các cuộc đụng độ tiếp tục xảy ra giữa người bản địa Albania và cộng đồng thiểu số người Serbia tại Kosovo. Diễn biến căng thẳng leo thang khiến Serbia phải đặt quân đội trong tình trạng báo động chiến đấu toàn diện và điều động các đơn vị tiến sát khu vực biên giới.

Ô tô bị đốt cháy trong vụ đụng độ gần đây giữa cảnh sát Kosovo với người biểu tình Serbia.

Căng thẳng lần này bắt nguồn từ cuộc bầu cử địa phương tại 4 khu đô thị phía Bắc Kosovo, được tổ chức vào ngày 23-4-2023. Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 50.000 người gốc Serbia. Kể từ khi Kosovo tuyên bố độc lập vào năm 2008, những người gốc Serbia vẫn không chấp nhận điều này. Vì vậy, đụng độ giữa người Serbia và người Albania bản địa thường xuyên xảy ra. Nhiều chính sách do chính quyền Kosovo ban hành đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía cộng đồng thiểu số Serbia.

Cuối năm 2022, hầu hết quan chức, nhân viên hành chính, thẩm phán và cảnh sát ở 4 khu đô thị phía Bắc nói trên đã đồng loạt từ chức để phản đối kế hoạch thay biển số xe ô tô của Serbia bằng biển số của Kosovo. Cuộc bầu cử địa phương lần này cũng bị người Serbia tẩy chay dẫn tới số cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 3,47%. Chính quyền Kosovo đã phải dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình của người Serbia để hỗ trợ các thị trưởng sắc tộc Albania mới được bầu đến văn phòng làm việc ở khu đô thị phía Bắc.

Hiện tại, Serbia và Kosovo vẫn đang trong tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian. Nội dung tổng thể thỏa thuận do EU đề xuất quy định rằng, cả hai bên sẽ tôn trọng độc lập, tự chủ, quyền tự quyết, bảo vệ nhân quyền và không phân biệt đối xử. Serbia và Kosovo sẽ mở văn phòng đại diện tại thủ đô của nhau và cùng làm việc để giải quyết những vấn đề tồn tại. Serbia sẽ không bắt buộc phải công nhận độc lập của Kosovo, nhưng sẽ phải dừng vận động hành lang chống lại tư cách thành viên của Kosovo trong các tổ chức quốc tế. Hai bên cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác trong tương lai về các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, giao thông và kết nối...

Tuy nhiên, các chi tiết của thỏa thuận do EU làm trung gian vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Một điểm mấu chốt là Serbia khăng khăng yêu cầu Kosovo thực hiện thỏa thuận năm 2013 nhằm thiết lập một hiệp hội các đô thị phía Bắc Kosovo để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người Serbia mà trước đó, Tòa án Hiến pháp của Kosovo đã tuyên bố kế hoạch đó là vi hiến. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cũng yêu cầu tăng quyền tự trị tại khu vực có đông người Serbia sinh sống, song Kosovo không chấp nhận. Serbia khẳng định, tiến trình đàm phán chỉ có thể đạt được bước tiến mới sau khi những vấn đề này được giải quyết.

Theo các nhà phân tích, việc chính quyền Kosovo sử dụng vũ lực để đàn áp người biểu tình vào ngày 26-5 vừa qua sẽ làm quá trình đàm phán thêm khó khăn. Ngay lập tức, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc Kosovo giảm căng thẳng với Serbia, đồng thời kêu gọi tất cả các bên giải quyết tình hình bằng đối thoại. Mỹ, Anh, Pháp, Italia và Đức đã ra tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Kosovo lùi bước. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Các hành động của Kosovo đã đi ngược khuyến cáo của Mỹ và EU, đẩy căng thẳng lên cao một cách không cần thiết và làm suy yếu nỗ lực bình thường hóa quan hệ Kosovo - Serbia, cũng như ảnh hưởng quan hệ song phương giữa chúng tôi và Kosovo”.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang gây ra nhiều hệ lụy cho khu vực và thế giới, việc tăng cường đối thoại với sự hỗ trợ của các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp hiệu quả để Serbia và Kosovo tháo gỡ căng thẳng, tìm ra tiếng nói chung vì lợi ích của cả hai phía. Điều này cũng giúp châu Âu không bị kéo vào một vòng xoáy bất ổn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng căng thẳng Serbia - Kosovo: Phủ bóng tiến trình bình thường hóa quan hệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.