(HNMO) - Đầu giờ làm việc sáng nay (12/6), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng được dành 35 phút để trả lời các câu hỏi của ĐB vào chiều 11/6 chưa được trả lời và một số chất vấn mới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng |
Cuối chiều qua, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực trạng về giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi ở nước ta cao hơn so với giá sữa cùng loại ở các nước Đông Nam Á. Các biện pháp quản lý của nhà nước trở nên vô hiệu, trong khi các DN lách được luật, làm cho giá sữa đã cao trở nên cao hơn, cao nữa và cao mãi. ĐB này chất vấn Bộ trưởng về giải pháp để quản lý giá sữa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận hiệu quả trong quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, thời gian qua chưa hoàn toàn đạt hiệu quả như mong muốn khi giá luôn ở mức cao.
Giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra là tăng cường sản xuất trong nước; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thông qua thương thảo, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do với các mặt hàng này. Mặc dù không hạn chế nhập khẩu nhưng phải dùng biện pháp phi thuế quan để kiểm soát; Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra để bảo đảm các cơ sở kinh doanh sữa thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Về nội dung chất vấn khác cũng của ĐB Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng để xảy ra tình trạng một số DN núp bóng hàng Việt Nam chất lượng cao đưa hàng giả về tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi là sự vô trách nhiệm, vô lương tâm của những tập thể, cá nhân này. Vì đồng bào phần lớn có thu nhập thấp, kiến thức nhận biết chất lượng hàng hoá còn hạn chế. Do đó, đưa hàng giả núp bóng là tội lỗi.
Về giải pháp Bộ trưởng đưa ra là phải nghiêm túc xử lý những trường hợp này. Thời gian qua, Bộ đã nhắc nhở các Sở công thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra các đợt đưa hàng Việt về nông thôn để xử lý các hành vi này
ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cũng có chất vấn về hàng giả xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, là vấn nạn gây nhức nhối cho xã hội, gây tâm lý hoang mang với người tiêu dùng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra các nhóm giải pháp để đẩy lùi vấn nạn này là xem xét sửa đổi để nâng cao chế tài xử phạt trong các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện xử phạt các hành vi gian lận thương mại; đánh mạnh vào cơ sở đầu nậu, ổ nhóm tàng trữ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái; Cơ sở sản xuất kinh doanh phải ý thức được bảo vệ sản xuất trong nước, không tiếp tay cho hành vi tàng trữ, lưu thông và sử dụng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái...
ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) qua chất vấn mong muốn Bộ trưởng làm rõ về tăng giá xăng dầu thời gian qua.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc quản lý giá xăng dầu theo NĐ83 của Chính phủ. Giá xăng dầu trên thế giới là giá tham khảo, căn cứ vào đó để ban hành giá bán lẻ trong nước. Thực tế do yếu tố chênh lệch thời gian, vận chuyển... diễn biến giá dầu thô không phải lúc nào cũng tương thích với diễn biến giá sản phẩm xăng dầu. Có thể giá dầu thô giảm nhưng giá xăng dầu thế giới không giảm và ngược lại. Bộ trưởng đã cho cán bộ kiểm tra lại 2 thời điểm ĐB nêu thì thấy giá dầu thô giảm nhưng giá xăng dầu vẫn tăng.
Về việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian qua, liên bộ Tài chính - Công thương đã thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch Nghị định 83 trong sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng thực trạng chênh lệnh con số thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến nhiều cử tri lo lắng, không yên tâm. "Có tình trạng kinh tế ngầm nước ta hay không? Gây ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước như thế nào? Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục và làm rõ trách nhiệm của mình như thế nào?" - ĐB hỏi.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải nếu kim ngạch giữa hai quốc gia càng lớn thì chênh lệch càng nhiều. Thực tế không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà giữa Việt Nam với nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng có sự chênh lệch trong con số thống kê.
Ví dụ, năm 2014, trong số liệu xuất khẩu giữa Việt Nam chênh lệch so với Nhật Bản là cao hơn 513 triệu USD, Hàn Quốc chênh 847 triệu USD, Singapor chênh 260 triệu USD; trong nhập khẩu, chênh 2 tỷ USD với Nhật Bản, 589 triệu USD với Hàn Quốc và 6 tỷ USD với Singapore.
Bộ trưởng cũng khẳng định để đánh giá chính xác thì chưa đầy đủ nhưng chắc chắn có buôn lậu, có kinh tế ngầm mà trong đó có một phần trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường. Bộ trưởng cũng khẳng định số liệu thống kê của cơ quan hải quan Việt Nam là số liệu chính thức.
"Bộ trưởng có đau lòng trước cảnh hàng đoàn xe nối đuôi nhau chở nông sản hàng hoá nằm dài ngày tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, làm hàng hoá phải đổ bỏ. Thực trạng trên kéo dài hơn 10 năm nay mà không có giải pháp hữu hiệu nào của Bộ Công thương. Có nước nào có tình trạng làm ăn như nước ta không? Đến bao giờ chấm dứt tình trạng này" - ĐB Ngô Văn Minh cũng nêu hàng loạt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra một số giải pháp căn cơ để dứt điểm tình trạng xe chở dưa hấu xếp hàng dài chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, Trung Quốc. |
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, trong thời gian ngắn, lượng dưa đưa lên rất lớn trong khi cơ sơ hạ tầng hạn chế. Cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được 350 xe/ngày, trong khi có ngày có đến 1000 xe tải lên đó, dẫn đến ách tắc tạm thời.
Về giải pháp, trong những năm qua, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn phối hợp với tỉnh Lạng Sơn có những kiến nghị với Chính phủ xây dựng khu chung chuyển đủ sức chứa trên 1000 xe tải vừa chờ tập kết, phân loại hàng hoá trong khi chờ thông quan, tránh ách tắc trên đường giao thông.
Bộ Công thương đã bàn với tỉnh Lạng Sơn chủ động triển khai dự án này. Tuy nhiên, do vốn đầu tư quá lớn, địa phương không thể tự trang trải nên Bộ đang báo cáo chính phủ hỗ trợ đầu tư cũng như cần nguồn vốn xã hội hoá.
Giải pháp căn cơ nữa là Bộ đã và phải tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc thực hiện thoả thuận tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng hoá nông sản Việt Nam đã ký vào năm 2014.
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) muốn Bộ trưởng cho biết về giải pháp và thời gian cụ thể để cung cấp điện cho các hộ dân nông thôn nói chung và các vùng khó khăn nói riêng. Hiện cả nước còn 514.000 hộ dân nông thôn chưa có điện.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thực hiện Quyết định 2081 năm 2013 của Chính phủ về đưa điện về nông thôn, đến năm 2020, phấn đấu 100% số xã, thôn bản và hộ dân nông thôn có điện. Đến nay đã có 96% số xã có điện và 97% hộ dân nông thôn có điện.
Như vậy, trong chiều qua và sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời trực tiếp 29 câu hỏi và có 7 câu hỏi ĐB chưa được hỏi đáp tại hội trường. Theo nhận định của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nắm sâu sắc lĩnh vực mình phụ trách, có nhiều biện pháp quyết liệt để giải quyết sâu sát tình hình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.