Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá rau xanh dần ổn định trở

Sơn Tùng| 14/02/2016 06:54

(HNM) - Sau mấy ngày nghỉ tết Nguyên đán Bính Thân, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân ngoại thành tập trung ra đồng chăm sóc và thu hoạch rau màu. Ngoài ra, tại các chợ đầu mối, tiểu thương đã đẩy mạnh nhập hàng rau xanh, trái cây nên nguồn cung khá dồi dào, giá cả giảm so với một vài ngày trước đó.

Nông dân ngoại thành ra đồng thu hoạch rau xanh, thời tiết nắng ấm rau phát triển thuận lợi.


Bà Đặng Thị Nhài, Xóm Đông, xã Hồng Minh (Phú Xuyên) cho biết: Giá rau xanh, trái cây tuy vẫn cao nhưng đã giảm nhiều so với thời điểm cận tết Nguyên đán do nguồn cung khá dồi dào. Ngoài lượng đưa từ các địa phương khác về Hà Nội, mấy ngày qua, thời tiết nắng ấm, cây rau phát triển tốt, nông dân tập trung thu hoạch, do đó giá cả không tăng như mấy ngày trong Tết. Theo kinh nghiệm của bà Nhài, vài ngày tới, rau xanh chính vụ cho thu hoạch ồ ạt thì giá tiếp tục giảm mạnh.

Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức) cho biết: Giá rau xanh trước và sau Tết nhiều loại tăng mạnh. Cụ thể: Giá 1kg rau cải bình thường chỉ bán được 5.000-7.000 đồng, nhưng vào cận Tết giá bán tăng gấp đôi. Tâm lý nghỉ Tết cũng như ảnh hưởng của đợt rét kỷ lục trước đó khiến giá rau xanh tăng cao. Tuy vậy, tại HTX Rau an toàn Tiền Lệ, doanh nghiệp, HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với xã viên nên giá cả luôn ổn định, không tăng đột biến và nguồn cung khá dồi dào...

Khảo sát một số chợ đầu mối, chợ dân sinh ở Hà Nội ngày 13-2 (mùng 6 Tết) cho thấy, giá rau xanh vẫn ở mức cao nhưng lượng tiêu thụ chậm. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương chợ Hà Đông cho biết: Trước tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày một cửa hàng bán khoảng 100kg rau xanh, nhưng mấy ngày qua, mỗi ngày chỉ bán được 20-30kg. Theo chị Hà, hiện nay, giá rau xanh tại các chợ dân sinh cơ bản đã giảm so với cách đây vài ngày. Giá su hào khoảng 7.000 - 10.000 đồng/ củ, súp lơ 15.000 đồng/cái, rau cải 6.000 đồng/bó... Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ nhiệm HTX Chợ đêm Văn Quán cho biết: Vài ngày tới, nhịp độ buôn bán rau, củ, quả tại chợ đầu mối chắc chắn sẽ sôi động trở lại và giá đến tay người tiêu dùng sẽ giảm.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Với hơn 5.000ha rau xanh, Hà Nội chỉ đáp ứng được nhu cầu tại chỗ từ 40% đến 60%, số còn lại nhập từ các địa phương khác. Đợt rét hại trước đó khiến nhiều diện tích rau của Hà Nội sinh trưởng chậm, tuy nhiên gặp thời tiết nắng ấm, lượng rau xanh tại các vựa rau lớn của Hà Nội như Thanh Đa (Phúc Thọ), Văn Đức (Gia Lâm)... phát triển tốt và đủ cung ứng cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội: Sở dĩ giá rau xanh, trái cây tăng mấy ngày trước và sau tết Nguyên đán chủ yếu do tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Điều này đã thành thói quen, thông lệ trong cách buôn bán các loại thực phẩm tươi sống của người Việt. Để hạn chế vấn đề này, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tham gia cung ứng theo chuỗi và hoạt động trở lại từ mùng 2 Tết để ổn định thị trường.

Tuy nhiên, theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dương (Đông Anh) Hoàng Văn Vân, giá rau tại ruộng của nông dân tăng được 1 đồng thì tại các chợ lẻ, dân sinh trong nội thành tăng 3 - 4 đồng. Cùng trên địa bàn thành phố nhưng giá rau xanh tại mỗi chợ một giá. Chợ vắng, ít người bán, nhiều người mua thì người bán hét giá cao. Thưa người mua, thì giá cả cũng chỉ tăng ở mức vừa phải… Với tập quán cũng như thói quen sinh hoạt chợ còn tồn tại lâu đời trong dân cư, các thương lái nhỏ lẻ việc ổn định giá cả tại các khu chợ dân sinh trong thành phố còn nhiều bất cập. Vì vậy, giá cả tăng sau mỗi dịp tết Nguyên đán vẫn lặp đi, lặp lại nhiều năm qua...

Nhiều siêu thị, cửa hàng mở cửa trở lại

(HNM) - Mùng 6 Tết (13-2) được nhiều cửa hàng chọn là ngày đẹp để mở hàng đầu năm mới. Ghi nhận vào sáng 13-2, tại các phố Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Cầu Gỗ, Hàng Gà, Bát Đàn... (quận Hoàn Kiếm), Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), Xã Đàn, Hoàng Cầu, Đê La Thành, Thái Thịnh (quận Đống Đa)… hầu hết các cửa hàng đã mở cửa kinh doanh.

Chị Thu Trang, chủ một cửa hàng tạp hóa phố Xã Đàn cho biết, giá hầu hết các mặt hàng vẫn được giữ nguyên, không có biến động. Khách mua hàng chỉ tập trung ở một số mặt hàng chính như bánh kẹo, bia, nước ngọt, đồ cúng lễ thắp hương để đi lễ chùa... Trong khi tại các cửa hàng tạp hóa, lượng khách còn thưa thớt vì mọi người vẫn đi chơi Tết thì các cửa hàng ăn uống, quán cà phê, lượng khách đến rất đông, giá bán như thời điểm trước nghỉ Tết. Nhiều nơi phải từ chối khách vì đã hết bàn.

Đối với hệ thống siêu thị Vinmart+, BigC, Hapro, Fivimart… cơ bản đã mở cửa từ sáng mùng 3 Tết vì đây là những điểm bán hàng bình ổn giá của thành phố. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tính đến ngày mùng 3 Tết, đã có 70% siêu thị trên địa bàn Hà Nội mở cửa phục vụ người dân. Đến ngày mùng 4, 100% siêu thị, cửa hàng tiện ích đã mở hàng bình thường. Các mặt hàng tại siêu thị đều được cung cấp đầy đủ, niêm yết giá rõ ràng.

Cũng là một trong những điểm bán hàng bình ổn giá, chuỗi siêu thị Fivimart mở cửa phục vụ đến sát Giao thừa. Riêng Fivimart tại Aeon Mall Long Biên mở cửa trở lại từ 9h ngày mùng 1 Tết... Tuy nhiên, do người dân có xu hướng chuẩn bị sẵn lượng thực phẩm cho Tết nên những ngày đầu năm lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị chưa nhiều.

Thanh Hiền

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá rau xanh dần ổn định trở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.