(HNM) - Từ cuối năm 2021, giới chuyên gia đã nhận định, xu hướng tăng giá tiêu dùng là khá rõ và sẽ gây ra áp lực lạm phát trong năm 2022. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang chịu tác động rất lớn từ việc giá nhiên liệu đang trong xu hướng tăng liên tục và thiết lập mức cao kỷ lục, đòi hỏi nhận diện nguyên nhân, chủ động giải pháp ứng phó. Trong bối cảnh ưu tiên phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, mục tiêu quan trọng là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát tăng dưới 4% như Quốc hội đã thông qua.
Áp lực lạm phát lớn
Ngày 11-2, giá xăng tăng 960-980 đồng/lít, đến ngày 21-2, giá xăng tiếp tục tăng 961-965 đồng/lít. Hiện, giá dầu thô đã vượt 90 USD/thùng trong khi các chuyên gia cảnh báo, rất có thể giá dầu thô thế giới sẽ lên tới 120 USD/thùng và đẩy giá xăng, dầu thành phẩm tiếp tục tăng cao hơn nữa. Nguyên nhân chủ yếu do sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn cầu khiến nhu cầu nhiên liệu tăng liên tục, cung - cầu có xu hướng mất cân bằng, đồng thời gây sức ép rất lớn cho việc cung ứng nhiên liệu. Thực tế đó đồng nghĩa với việc giá nhiên liệu sẽ còn tiếp tục tăng.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu nên sẽ đối mặt với nguy cơ lạm phát trước xu hướng tăng giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế. Nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho CPI tăng 0,36% do sự tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, vận tải, giao thông.
Ngoài ra, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sau Tết có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá. Đầu tiên là giá gas, giá xăng, dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện, giá xăng, dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú còn cho rằng, áp lực tăng CPI còn do nhu cầu mua sắm, du lịch tăng mạnh ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, hoàn thiện thể chế về quản lý giá để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả để kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022. Mặt khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan, địa phương vào cuộc đồng bộ, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu; khai thông nguồn cung, tránh khan hiếm giả tạo và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của xã hội.
Chủ động điều hành giá và giám sát thị trường xăng, dầu
Với mặt hàng xăng, dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, chủ động điều hành giá theo quy định, bảo đảm nguồn cung cho thị trường và chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng, dầu; đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; kiểm tra, xử lý hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật. Trước đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra đầu mối cung ứng xăng, dầu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, diễn biến giá cả nhiên liệu để kịp thời ứng phó thông qua cân đối cung - cầu và chính sách xuất, nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá và bảo đảm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm. Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cam kết bảo đảm nguồn hàng cho hệ thống phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ của tập đoàn trong mọi tình huống. Còn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho hay, tập đoàn đã cùng các đơn vị thành viên nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tăng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, góp phần bình ổn thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cần bám sát diễn biến thực tế và tăng cường tuyên truyền, yêu cầu cơ quan quản lý vào cuộc ngay từ đầu năm vì đây là mục tiêu khá cao; đòi hỏi hành động quyết liệt bằng nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp. Đồng thời từng bước chủ động dự trữ năng lượng, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu kết hợp nguồn nhiên liệu trong nước để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, khẩn trương kết nối lại chuỗi cung ứng và tiêu thụ nội địa, giảm chi phí vận chuyển xăng, dầu nhằm hạ giá thành sản phẩm, từ đó giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng xăng, dầu hợp lý, tránh tâm lý đẩy giá hàng hóa bất hợp lý theo giá xăng, dầu; triệt để chống hiện tượng găm hàng trục lợi dẫn đến khan hiếm nguồn cung cục bộ.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần duy trì sự liên thông, lành mạnh giữa cung và cầu bên cạnh việc huy động công suất của các nhà máy lọc dầu trong nước một cách hợp lý để bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Bộ Công Thương cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng, dầu dài hạn cho nền kinh tế; mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng, dầu, giảm bớt sự lệ thuộc khi giá xăng, dầu thế giới tăng cao… Các chuyên gia cũng đề xuất giảm các sắc thuế liên quan đến xăng, dầu để giảm giá bán mặt hàng này, hạn chế tác động đến nền kinh tế nói chung.
Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bổ sung, giá xăng dầu chưa chắc tăng mạnh quá mức bởi các nước xuất khẩu dầu mỏ có thể không muốn để giá xăng, dầu quá cao khiến các nền kinh tế sẽ tìm nguồn năng lượng thay thế. Để kiểm soát lạm phát, cơ quan chức năng nên tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở hình thành giá của các doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng “té nước theo mưa” mỗi khi giá xăng, dầu điều chỉnh tăng. Nếu làm tốt các giải pháp trên, lạm phát năm 2022 có thể sẽ ở mức 3,5%-3,8%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.