(HNMO) - Giá nhà đất tại một số dự án mới của thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố đã “gây sốc” cho nhiều người, bởi quá cao. Trong khi đó, những người thu nhập trung bình thực sự cần nhà hiện rất khó mua vì nguồn cung ít.
Mức giá “giật mình”
Ngày 1-11, nhà đầu tư dự án khu biệt thự Ba Son (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) công bố bảng giá. Theo đó, căn biệt thự trên đất rộng 220m2, xây 4 tầng được chào bán với giá 185 tỷ đồng, tương đương khoảng 840 triệu đồng/m2. Trước đó khoảng 10 ngày, nhà đầu tư dự án chung cư Horizon sát hồ Bán Nguyệt (Phú Mỹ Hưng, quận 7) công bố giá bán khoảng 130 triệu đồng/m2.
“Nguồn nhà đất cao cấp, đắt tiền thì nhiều, còn nhà đất, căn hộ mức giá phổ thông thì rất hiếm”, chị Trần Vũ Quỳnh đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi có dự định chuyển gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh vì có công việc mới lâu dài trong này, nhưng để tìm được chung cư có sổ hồng giá 40-50 triệu đồng/m2 trong nội thành và thành phố Thủ Đức là rất khó”.
Phóng viên Báo Hànộimới đã thực hiện cuộc khảo sát một số chung cư trên địa bàn thành phố và nhận thấy, những dự án chung cư đã hoàn thành trong vòng 5-7 năm qua, người dân ở ổn định, đã có sổ hồng tại các quận 6, 7, 8, Gò Vấp… có giá khoảng 55-60 triệu đồng/m2. Chung cư quận 4 giá 60-70 triệu đồng/m2. Chung cư tại thành phố Thủ Đức dù chưa có sổ hồng, nhưng do tiện đường đi lại (như một số căn hộ tại dự án New City trên đường Mai Chí Thọ) cũng có giá xấp xỉ 70 triệu đồng/m2.
Ông Trương Văn Giới, đại diện doanh nghiệp bất động sản NewLand thông tin: “Chỉ còn rất ít chung cư tại các quận nội đô cũ của thành phố Hồ Chí Minh có giá khoảng 40 triệu đồng/m2. Đây phần lớn là các chung cư nhỏ lẻ, có tồn tại về pháp lý, đầu tư, chưa có sổ hồng…”.
Đánh giá về thị trường bất động sản từ đầu năm 2022 đến nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thị trường nhà ở vẫn chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân; chưa đa dạng về sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho thuê.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là nguồn cung nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp giảm trong thời gian qua. Đơn cử, trong quý II-2022, theo thống kê của Sở Xây dựng, cơ quan này đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lại cho 4 dự án với tổng 2.144 căn nhà, giảm 200% số dự án so với quý trước. Còn dự án được cấp phép mới trong quý chỉ có 2 dự án, với quy mô 2.057 căn; 5 dự án nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị đang triển khai với quy mô 3.367 căn.
Tìm hướng giải quyết
Lý giải thực trạng trên, trong văn bản của UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi Bộ Xây dựng và các cơ quan trung ương có nêu, một trong những nguyên nhân chính là do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Nhiều dự án trên địa bàn thành phố đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính... dẫn đến tình trạng chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), từ năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh đã không còn căn hộ chung cư có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2. Giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Hiện, giao dịch nhà đất đã có dấu hiệu giảm tốc, chậm lại, trầm lắng, nhưng giá nhà đất vẫn còn "neo" giữ mức giá cao.
“Giá nhà bình dân đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Nếu so sánh, giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp khoảng 6-7 lần mức thu nhập. Vì vậy, người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ”, HoREA cho hay.
Cũng theo HoREA, quỹ nhà đất giá bình dân khan hiếm, nguồn cung nhà đất cao cấp lại liên tục tăng. Cụ thể, năm 2017, có 10.987 căn nhà cao cấp, chiếm 25,5%; năm 2019 có 15.479 căn nhà cao cấp, chiếm 67,1%; đến năm 2021, có 10.404 căn nhà cao cấp, chiếm 72%. Riêng 9 tháng của năm 2022, có 9.305 căn nhà cao cấp, chiếm đến 80,2% tổng cung thị trường.
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang có hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện; trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc “đất công” hoặc do cổ phần hóa trước đây; do đó, doanh nghiệp gặp vướng trong xác định tổng tiền để hoàn thành các nghĩa vụ thuế…
Để tăng nguồn cung cho thị trường, HoREA kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét và có kết luận đối với các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tạo thuận lợi trong giao đất và thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cùng với đó, cơ quan chức năng có cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp còn đang vướng các thủ tục nghĩa vụ thuế có được phương án giải quyết phù hợp, nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước và được tiếp tục triển khai dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.