(HNM) - Chỉ số giá các mặt hàng nông sản thiết yếu vẫn tiếp nối đà tăng dữ dội trong những ngày đầu năm 2011. Cơn thiếu đói đang được cảnh báo bằng những cuộc nổi loạn của dân chúng do vật giá leo thang đã xuất hiện tại nhiều quốc gia châu Phi như Tunisia, Algeria…
Giá lương thực tăng cao là ẩn họa khôn lường của nhân loại. |
Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) thông báo giá lương thực đã ở ngưỡng báo động đỏ khi chi phí để mua một cân đường hoặc thịt lên mức kỷ lục kể từ năm 1990, trong khi giá lúa mì, gạo, ngô, đậu nành và nhiều loại ngũ cốc khác thậm chí đã cao hơn thời điểm bão giá dữ dội của mùa hè năm 2008. Như một con ngựa bất kham, chỉ số giá nông phẩm đã vọt lên 214,7 điểm vào tháng 12-2010, bỏ xa mức trần 213,5 điểm cách đây gần 3 năm, đang thách thức các nỗ lực ghìm cương của chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới. Làn sóng bạo động do thiếu lương thực nổ ra ở nhiều nước đã nâng cao nguy cơ về sự bất ổn tiềm tàng từ tình trạng tăng giá trên toàn cầu hiện nay.
Sau trận hỏa hoạn lịch sử thiêu rụi nhiều triệu hécta mùa màng tại Nga mùa hè vừa qua, nay nhiều diện tích canh tác tại quốc gia xuất khẩu lương thực lớn thứ tư thế giới Australia lại bị nhấn chìm trong biển nước. Băng giá kéo dài tại những vựa ngũ cốc của nhân loại như Trung Quốc, Mỹ, Canada… đang cảnh báo về nguồn cung sẽ giảm mạnh. Chỉ tại riêng quốc gia đông dân nhất hành tinh, sự đỏng đảnh của thời tiết đã xóa sổ 90% sản lượng nông sản, tương đương 4 triệu hécta trong khi báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ khẳng định sản lượng gạo thế giới vụ mùa 2009-2010 lần đầu tiên suy giảm kể từ năm 2003, chỉ đạt 441,2 triệu tấn. Đây là một cảnh báo đáng sợ cho thấy giá cả lương thực sẽ không thể giảm sức nóng trong thời gian tới. Tình trạng mất cân bằng về cung - cầu cũng được dự báo chưa thể cải thiện khi cuộc chạy đua tích trữ lương thực nhằm bảo đảm nhu cầu trong nước đang diễn ra tại nhiều quốc gia. Chính phủ Nga không thay đổi lệnh cấm xuất khẩu lúa mì cho đến hết năm 2011, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, các nhà nhập khẩu lớn như Philippines, Malaysia… vẫn tăng tốc các hợp đồng mua lương thực là thực tế khẳng định nhu cầu về lương thực đang như những chiếc thùng không đáy.
Trong khi đó, những nỗ lực nhằm ổn định giá lương thực của nhiều quốc gia đã làm hàng hóa trở nên khan hiếm và càng đẩy giá lên những đỉnh cao mới. Để tránh cảnh mạnh ai nấy lo có thể sẽ phá vỡ những nỗ lực điều phối trên toàn cầu, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trên cương vị Chủ tịch G20 năm nay đã đề nghị Mỹ hỗ trợ mở rộng hợp tác để kiềm chế giá nông phẩm leo thang. Ông N.Sarkozy cũng coi việc giải quyết biến động giá lương thực, thực phẩm như một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Hành động tức thời của ông chủ điện Elysee phản ánh lo ngại từ nhiều nhà hoạch định chính sách rằng nếu không được kiểm soát hiệu quả, giá cả phi mã sẽ là rủi ro lớn với các quốc gia đang phát triển hiện dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vấn đề nhạy cảm này cũng sẽ khiến cuộc kiềm chế đà lạm phát tại những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ Latinh… thêm khó khăn; đồng thời là đốm lửa nhen nhóm những bất ổn xã hội và đe dọa đến thành quả của cuộc chiến chống đói nghèo mà nhân loại đang theo đuổi.
Khi giá các loại thực phẩm thiết yếu tăng mạnh, người nghèo chịu hậu quả nặng nề nhất. Chỉ sau cuộc khủng hoảng lương thực lần trước, đã có tới 64 triệu người trên hành tinh bị đẩy trở lại tình trạng nghèo đói. Vì vậy, sự chung tay hợp tác của tất cả các quốc gia trong khuôn khổ những biện pháp ở quy mô toàn cầu đang được đặt ra với tất cả sự cấp thiết. Đó không chỉ là những hỗ trợ để bình ổn giá cả mà nhiều chính phủ đang áp dụng, những chính sách kinh tế hợp lý mà còn là sự xa lánh chủ nghĩa bảo hộ, chiến lược sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Chỉ có vậy thế giới mới có thể ngăn chặn có hiệu quả cơn lốc thiếu đói đang rình rập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.