Nông nghiệp - Nông thôn

Giá lợn hơi trong tháng 4-2025 sẽ dần ổn định

Ngọc Quỳnh 08/04/2025 10:03

Giá lợn hơi trong tháng 4-2025 sẽ dần ổn định, quanh mức 65.000 đồng và cao nhất là 70.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thời gian qua, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tăng mạnh, đầu tháng 3-2025 giá lợn hơi dao động ở mức 75.000-80.000 đồng/kg, tăng từ 15 đến 18% so với đầu tháng 1-2025. Đặc biệt, trong tháng 3-2025, mức giá cao nhất ở tỉnh Đồng Nai là 83.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 3, giá đã chững lại và có xu hướng giảm; dự báo, giá lợn hơi trong tháng 4-2025 sẽ dần vào mức ổn định ở quanh mức 65.000 đồng và cao nhất là 70.000 đồng/kg. Cụ thể, ngày 8-4, tại khu vực miền Bắc, giá lợi hơi không có nhiều biến động, giao dịch trong khoảng 67.000-69.000 đồng/kg; miền Trung và Tây Nguyên cũng đi ngang, được thu mua trong khoảng 67.000-72.000 đồng/kg; miền Nam giá lợn hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua và được thương lái thu mua trong khoảng 70.000-73.000 đồng/kg.

chan-nuoi-cong-nghe-cao.jpg
Giá lợn hơi dự báo sẽ ổn định và hạ nhiệt. Ảnh: Hương Giang

Hiện ngành chăn nuôi lợn có nhiều thuận lợi, song cũng còn nhiều thách thức, như: Thói quen giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát an toàn sinh học, phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào và liên kết chuỗi còn hạn chế. Đặc biệt, trong quý I-2025, giá thịt lợn tăng sớm và nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt ở phía Nam, với lượng lớn lợn từ miền Bắc được chuyển vào miền Nam. Theo đó, quý I-2025, tổng đàn lợn cả nước 31,8 triệu con (giảm hơn 0,63% so với thời điểm tháng 1-2025, nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024).

lon.jpg
Các địa phương tập trung chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Hương Giang

Để ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định và kiểm soát được giá, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương căn cứ vào nhu cầu của người chăn nuôi để quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học trong phát triển nguồn giống, như thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; bình tuyển, quản lý đàn lợn giống cấp cụ kỵ, ông bà đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống phục vụ sản xuất. Các địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu, vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ; khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tránh mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát dịch bệnh. Mặt khác, tăng cường phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tập trung nguồn lực vào các vùng trọng điểm, đầu tư khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến phân phối.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá lợn hơi trong tháng 4-2025 sẽ dần ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.