(HNM) - Một tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi đồng loạt tăng mạnh trên địa bàn cả nước, tăng hơn 2 lần so với lần khủng hoảng thừa cùng kỳ năm 2017. Sự bất thường này cho thấy, các cơ quan quản lý còn rất lúng túng trước tình hình còn người chăn nuôi chưa hẳn đã vui mừng...
Giá thịt lợn tăng mạnh trong những ngày qua. |
Mừng ít, lo nhiều
Anh Lê Văn Hán, chủ trang trại chăn nuôi lợn thôn An Duyên, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) chia sẻ: "Sau thời gian bị thua lỗ, cầm cự, năm 2018, gia đình chăn nuôi ổn định trở lại ở mức 200 con lợn. Phải chờ đến quý II năm nay, giá thịt lợn hơi mới đảo chiều, nông dân có lãi lớn. Tuy nhiên, giá cả lúc lên cao ngất, khi xuống tận đáy, những người chăn nuôi lợn vẫn không có công. Nếu giá tăng quá cao, nông dân đổ xô nuôi lợn, rất dễ lại đi vào vết xe cũ. Trong khi đó, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng vì thế "té nước theo mưa", tìm mọi cách tăng giá bán".
Cùng chung tâm trạng này, ông Đặng Văn Mì, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) vẫn chưa quên cảnh cuối năm 2017 vợ chồng ông phải trực tiếp thuê người mổ lợn và kêu gọi người thân mua ủng hộ vì thương lái trả giá quá thấp. "Người chăn nuôi đầu tư cả khoản tiền lớn, nhưng như đánh bạc. Hiện giá thịt lợn hơi đang ở mức cao, khó tránh khỏi tình trạng một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn ồ ạt hoặc tự ý sử dụng các chất kích thích tăng trưởng vi phạm quy định của pháp luật nhằm kiếm lời. Chúng tôi mừng ít lo thì nhiều" - ông Mì cảnh báo.
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến hết tháng 7-2018, tổng đàn lợn cả nước giảm 2,8% so với cùng thời điểm năm 2017. Hiện giá thịt lợn hơi do các công ty chăn nuôi lớn cung cấp đã gần chạm 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt móc hàm đổ buôn cho các tiểu thương tại các lò mổ khu vực phía Bắc đã tăng vọt lên 75.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Nhung, nhà ở chung cư Mon City, đường Hàm Nghi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, cho biết: Thời gian này tôi thường phải mua thịt lợn với giá khá cao so với thời điểm cuối năm 2017. Cụ thể, giá sườn lợn, thịt nạc vai tại siêu thị đang bán với giá từ 130.000 đến 140.000 đồng/kg; giá thịt rọi ở mức 135.000 đồng/kg. Vấn đề người tiêu dùng khó hiểu là giá cả lên xuống thất thường như vậy, không biết vai trò của cơ quan chức năng trong điều tiết sản xuất và thị trường tiêu thụ như thế nào?
Nắm chắc tình hình và giải pháp kịp thời
Lý giải những bất thường về giá thịt lợn hơi của Việt Nam trong thời gian qua, ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin - một liên doanh lớn trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam cho rằng, cuộc khủng hoảng về giá thịt lợn hơi trong năm 2017 và từ quý II-2018 đến nay là một ví dụ điển hình về việc quản lý thị trường không có kế hoạch và chưa hiệu quả. Do đó, Việt Nam cần phải cải thiện trong quản lý cung - cầu và có các giải pháp căn cơ để ổn định giá cả.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, khi thống kê rà soát tổng đàn, nhiều nơi vẫn thống kê mang tính xác suất nên cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi luôn bị động trong định hướng phát triển chăn nuôi.
Người chăn nuôi xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) chăm sóc đàn lợn thịt. Ảnh: Giang Sơn |
Nhận định về tình hình này, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN& PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, thị trường và ngành chăn nuôi đang trên đà hồi phục và phát triển tốt. Tuy nhiên, giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới. Đặc biệt, giá thịt lợn hơi hiện tăng cao hơn ở khu vực nông thôn, chợ cóc và khu vực giết mổ nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do thợ mổ ở những nơi này không có điều kiện tiếp cận những cơ sở chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp có nguồn cung chính mặt hàng lợn thịt hiện nay. Tình trạng này càng làm cho giá lợn thịt ở nhiều nơi tăng cao cục bộ, gây lan tỏa tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung và kéo giá thịt lợn hơi cả nước lên cao.
Trước tình trạng trên, Bộ NN& PTNT vừa có công văn hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương thống kê nhanh quy mô đàn lợn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2-2019. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn. Cùng với đó, khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước, vì hiện nay sản phẩm thịt, trứng gia cầm, nhất là gà vườn, vịt thịt đang rất nhiều, chất lượng tốt và giá cả phải chăng.
Để tập trung chăn nuôi hiệu quả, hạn chế rủi ro, người dân không nên phát triển tăng đàn ồ ạt, mà theo dõi giá cả thị trường để đầu tư phù hợp, tập trung vào chăn nuôi lợn cao sản, lợn đặc sản nhằm đa dạng hóa thị trường; khuyến khích mô hình chăn nuôi bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống. Ngoài ra là chủ động liên kết với cơ sở chăn nuôi có uy tín để ổn định đầu tư, kết nối thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, cung vượt quá cầu dẫn tới bị ép giá, lỗ vốn.
Ngoài ra, để khắc phục những hạn chế trong khâu đánh giá và nhận định thị trường, thời gian tới, các địa phương cần quản lý tốt đầu vào chăn nuôi lợn của người dân, tiến hành rà soát tổng thể sau đó báo cáo với các cơ quan chức năng để có khuyến cáo, giải pháp cho phù hợp, tránh tình trạng tăng đàn ồ ạt, không theo kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.