Sau 5 năm kể từ khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới (2018), Gia Lâm không ngừng nỗ lực phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao. Những giải pháp cụ thể trong các lĩnh vực, đặc biệt là tập trung huy động mọi nguồn lực kết hợp thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, đang tạo đà cho Gia Lâm trở thành quận vào năm 2025.
Hành trình về đích
Huyện Gia Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 (tại Quyết định số 1180/QĐ-TTg ngày 13-9-2019). Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Gia Lâm tiếp tục chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu tiệm cận tiêu chí đô thị và huy động mọi nguồn lực để hoàn thành; tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 đến hết năm 2023 là 8.730 tỷ đồng với 663 dự án.
Đến nay, toàn huyện có 79,6km (100%) đường huyện và đường xã kết nối được nhựa hóa, bê tông hóa; 134,68km (100%) đường huyện qua khu vực đô thị đáp ứng tiêu chuẩn đường đô thị, có biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, vỉa hè có cây xanh…, bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp. 100% hộ dân sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất bảo đảm an toàn; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m đều có điện chiếu sáng; 8 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó có 300 điểm lắp đặt các thiết bị thể dục - thể thao ngoài trời. Gia Lâm cũng đã cải tạo, sửa chữa 59 điểm trường, xây dựng mới 92 điểm trường, tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng; 79/83 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học thông tin thêm: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 của huyện đạt 9,26%. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện quy hoạch 6 vùng sản xuất chuyên canh; giảm diện tích trồng lúa còn khoảng 1.000ha; tăng diện tích trồng hoa cây cảnh và cây ăn quả lên 2.106ha; diện tích rau, quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 515,7ha; diện tích sản xuất an toàn thực phẩm 1.693,5ha; 154 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 đến 5 sao.
Đến hết năm 2023, Gia Lâm có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 thị trấn: Yên Viên, Trâu Quỳ đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện đạt 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đạt 75,8 triệu đồng/người/năm; huyện chỉ còn 57 hộ cận nghèo (0,07%)…
Với kết quả đạt được, ngày 16-12-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1574/QĐ-TTg, công nhận Gia Lâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Sớm đưa Gia Lâm trở thành quận
Đến nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm có nhiều khu đô thị: Vinhomes Ocean Park, Đặng Xá, TQ5... Các làng quê của huyện Gia Lâm cũng có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, trở nên nhộn nhịp, sầm uất, văn minh, hiện đại hơn với 27 chợ, 1 trung tâm thương mại hạng 1 có quy mô 5,8ha (Vincom Mega Mall Ocean Park), 3 siêu thị hạng 2 và 3, cùng hệ thống cửa hàng tiện ích, tiện lợi, kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn...
Toàn huyện có 5 cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, cụm sản xuất làng nghề tập trung đang hoạt động ổn định. Huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 cụm công nghiệp Đình Xuyên và Phú Thị (giai đoạn 2); tiếp tục đề xuất thành phố triển khai các cụm công nghiệp theo quy hoạch chung của Thủ đô. Sự phát triển mạnh mẽ của các cụm công nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Huyện cũng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: 214,4km đường giao thông có hệ thống chiếu sáng; triển khai 27 dự án công viên, vườn hoa, sân chơi; thi công dự án công viên phía trước trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; kè 43 ao, hồ…
Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" và Chương trình số 12-CTr/HU của Huyện ủy về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2020-2025”, đến nay, Gia Lâm đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận.
Huyện đang tập trung chỉ đạo hoàn thành Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị đối với khu vực định hướng mở rộng phát triển đô thị; phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện “Đề án thành lập quận” và “Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường thuộc huyện Gia Lâm” trình các cấp có thẩm quyền trong năm 2025. Đặc biệt, huyện đang tập trung huy động mọi nguồn lực để tăng sức bật nhằm sớm đưa Gia Lâm trở thành quận “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.