Tính đến sáng 11-9, mực nước sông Đuống và sông Hồng đi qua địa phận huyện Gia Lâm ở trên mức báo động 2, nguy cơ lên báo động 3. Theo số liệu thống kê, toàn huyện có 15 xã ven đê chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Gia Lâm cho biết, toàn huyện có 27ha lúa; hơn 1.500ha rau màu, hoa, cây cảnh, cây ăn quả; 25ha diện tích nuôi trồng thủy sản; 40ha nhà màng, nhà lưới, nhà kính; 12 công trình chuồng trại chăn nuôi bị ảnh hưởng, ngập nước; 259 nhà bị tốc mái tôn, mái tum và 14 công trình tường bao bị đổ; 4.980 cây xanh bóng mát bị gãy đổ...
Đến sáng 11-9, toàn huyện đã khắc phục được khoảng 3.000 cây xanh bóng mát; Công ty Điện lực Gia Lâm đã huy động lực lượng khắc phục xử lý các sự cố về điện trên địa bàn, cơ bản đã khôi phục và cấp điện lại cho các khu vực sau khi bảo đảm an toàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, trước tình hình mực nước sông Hồng, sông Đuống lên cao tới mức báo động cấp 2, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã trực tiếp đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra việc chằng néo nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, chuẩn bị các phương án ứng phó với mưa lũ sau cơn bão số 3, khu vực sạt lở tại thôn 4 xã Kim Lan; Khu làng chài xã Văn Đức; kiểm tra các tuyến đê xung yếu (tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống) và các công trình phụ trợ như cửa khẩu qua đê, điếm canh đê trên địa bàn.
Tại địa bàn xã Bát Tràng vào sáng 11-9, do nước sông Hồng lên cao, nên khu vực Miếu Bản mấp mé ngập đường đi; khu vực đình Bát Tràng bị ngập khoảng 30cm nước.
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, để bảo đảm an toàn và tiếp tục theo dõi diễn biến lũ, xã đã báo cáo huyện cho học sinh Trường Mầm non nghỉ học, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở sắp xếp cho học sinh học online tại nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.