Sáng 8-4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 22.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị những giải pháp thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; điều chỉnh chỉ tiêu Đại hội; công tác quản lý đô thị, hoàn thiện các quy trình trong thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo lộ trình của thành phố, việc sắp xếp tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội sau khi sáp nhập, thành lập đơn vị mới; công tác thực hiện đầu tư công trung hạn; tăng thu ngân sách thông qua công tác đấu giá đất, thu hút nguồn lực đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, mở rộng đối tượng thu...
Đánh giá về thực hiện nhiệm vụ quý I-2024, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết: Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, toàn huyện kết nạp 52/195 quần chúng ưu tú vào Đảng (đạt 27%); chuyển Đảng chính thức cho 58 đảng viên dự bị; rà soát, đề nghị Thành ủy trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 3-2 cho 199 đảng viên đủ điều kiện; mở 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng quản trị, ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nghiệp vụ công tác Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”.
Huyện cũng đã tổ chức tổng kết công tác xây dựng Đảng 5 năm (2021-2025), tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011-2025) tại Đảng bộ huyện Gia Lâm; mở 4 lớp bồi dưỡng cho 462 lượt học viên các khối Đảng, đoàn thể, chính quyền... Công tác dân vận tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, góp phần củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội; hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện tốt; 100% số xã trên địa bàn huyện đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu...
Huyện hoàn thành việc tổ chức triển khai lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đối với 12 đơn vị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và 4 đơn vị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ cử tri trên địa bàn nhất trí với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đạt trên 99%.
Về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong quý I-2024: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 11,72% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó dịch vụ tăng 16,28%, công nghiệp, xây dựng tăng 8,84%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 1,85%; tổng thu ngân sách ước đạt 1.240,6 tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán thành phố và huyện giao, bằng 192,4% so với cùng kỳ năm 2023...
Huyện cũng chỉ đạo quyết liệt trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, năm 2024 dự kiến thực hiện 12 dự án, thu trên 1.153 tỷ đồng; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được 17,46/17,84ha để thực hiện các dự án trên địa bàn, đạt 98% kế hoạch quý và 26% kế hoạch năm, tổ chức chi trả bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 172,4 tỷ đồng cho 708 hộ dân và tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh, trong 9 tháng cuối năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát với phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Huyện phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2024; chủ động khai thác các nguồn lực về đất đai để tăng nguồn thu ngân sách; đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách, phấn đấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý năm 2024 tăng 12%; tập trung thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng huyện thành quận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.