(NSHN) - Sáng 2-6, HĐND huyện Gia Lâm khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 10 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết nghị một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.
Tại kỳ họp, HĐND huyện Gia Lâm và các đại biểu nghe báo cáo và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương một số dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của HĐND huyện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 huyện Gia Lâm (đợt 1); đồ án Quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Phú Thị giai đoạn 2, tỷ lệ 1/500; Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện báo cáo kết quả thẩm tra Báo cáo, Tờ trình, dự thảo Nghị quyết theo quy định...
Về việc phê duyệt, điều chỉnh, cho ý kiến chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của huyện, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền thông tin: Huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư 10 dự án thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, tổng mức đầu tư dự kiến 337,075 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố hỗ trợ 125,893 tỷ đồng, ngân sách huyện 211,182 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 9 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến sau điều chỉnh là 801,199 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách thành phố 15 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 786,199 tỷ đồng, tổng mức đầu tư tăng thêm 42,710 tỷ đồng...
Các đại biểu HĐND huyện Gia Lâm tập trung thảo luận, xem xét và biểu quyết thông qua các nghị quyết.
* Ngay sau đó, Thường trực HĐND huyện Gia Lâm tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đáng chú ý, đến nay, huyện có 313 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có 90 phương án thực hiện trên quỹ đất nông nghiệp công ích do UBND các xã, thị trấn quản lý; 223 phương án thực hiện trên quỹ đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ. Nhiều phương án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế toàn huyện, như trồng hoa lan, trồng nấm ăn đông trùng hạ thảo tại xã Phú Thị; phương án xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại xã Đặng Xá, phương án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Yên Thường...
Đại diện lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban, đơn vị liên quan giải trình, làm rõ một số tồn tại, hạn chế như công tác chuyển đổi cơ cầu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung còn chậm; một số phương án phát sinh vi phạm; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sau đầu tư chưa cao…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.