Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá khí đốt châu Âu xuống thấp nhất kể từ năm 2021: Xoa dịu lạm phát, giảm phí tiêu dùng

Thùy Dương| 02/06/2023 06:58

(HNM) - Giá khí đốt của châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, với mức giảm khoảng 66% trong năm nay, giúp đảo ngược tình trạng lạm phát gia tăng và hạ chi phí cho người tiêu dùng. Như vậy, giá năng lượng đang trở lại bình thường sau khi châu Âu khai thác thành công các nguồn khí đốt thay thế, thúc đẩy hy vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn.

Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Zeebrugge (Bỉ).

Trong phiên giao dịch ngày 25-5 vừa qua, giá khí đốt bán buôn tại thị trường châu Âu đã giảm xuống dưới 26 euro mỗi megawatt giờ (MWh). Đây là mức thấp nhất trong gần 2 năm qua, kể từ tháng 6-2021. Giới chuyên gia nhận định, diễn biến này phản ánh thực tế cung vượt cầu, đồng thời dự báo giá khí đốt có thể tiếp tục giảm. Hiện bức tranh thị trường năng lượng châu Âu đã đảo chiều so với cùng kỳ tháng 5-2022. Vào thời điểm đó, giá hợp đồng khí đốt tương lai tiêu chuẩn của châu Âu cao gấp 4 lần so với hiện tại, gây ra lạm phát và khiến hóa đơn năng lượng tăng vọt. Các quốc gia trong khu vực thậm chí phải khôi phục sản xuất than để duy trì hoạt động sau khi Nga cắt giảm nguồn khí đốt.

Để đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng phi mã, châu Âu đã tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Theo cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt trên 66%. Các bể chứa của Đức, quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất châu Âu, hiện đạt tỷ lệ dự trữ lên tới 73%.

Nhà phân tích Martijn Rats của Morgan Stanley nhận định, châu Âu có khả năng nạp đầy 100% công suất cho các kho dự trữ khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong mùa đông - ngay cả khi nguồn cung của Nga giảm xuống bằng không. Georg Zachmann, một thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), cho biết: “Thông tin giảm giá là một tin tuyệt vời đối với châu Âu và cho thấy rằng, việc tăng nhập khẩu LNG cũng như nhu cầu khí đốt giảm đã nhanh chóng tái cân bằng thị trường châu Âu”. Giá dầu cũng giảm, với dầu thô Brent giao dịch 73 USD/thùng ngày 30-5, sau khi tăng lên hơn 100 USD/thùng trong phần lớn năm ngoái.

Đối với các hộ gia đình, lợi ích về giá khí đốt giảm là rõ ràng. Số liệu báo cáo sơ bộ cho thấy, tháng 5-2023 tăng trưởng giá tiêu dùng ở Pháp đã chậm lại, còn 5,1%, giảm so với 5,9% của tháng trước đó. Trong khi đó, số liệu công bố hôm 30-5 ở Tây Ban Nha cho thấy, lạm phát của nước này đã giảm từ 4,1% trong tháng 4-2023, còn 3,2% trong tháng 5-2023 nhờ chi phí nhiên liệu giảm. Tại Italia, tăng trưởng giá trong tháng 5-2023 cũng giảm xuống còn 7,6%...

Ngoài yếu tố nguồn cung năng lượng tái tạo dồi dào, giá khí đốt lao dốc cũng góp phần lớn giúp đưa giá điện giảm sâu ở một số quốc gia châu Âu. Đây là một tin vui cho các hộ gia đình ở cựu Lục địa, khi họ đang phải đối phó với tình trạng giá cả leo thang kéo dài. Việc giá điện xuống mức âm có thể xảy ra khi sản lượng các nguồn tái tạo như điện gió, điện mặt trời hoặc thủy điện vượt nhu cầu và không thể lưu trữ để sử dụng sau này. Tình trạng này xảy ra do phần lớn khu vực Trung và Tây Bắc châu Âu đang trải qua giai đoạn thời tiết khô, giúp sản lượng điện mặt trời tăng cao.

Chi phí năng lượng giảm giúp xoa dịu triển vọng lạm phát và là cơ sở cho phép các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng, giá khí đốt vẫn có thể tăng đột biến trong trường hợp các nhà máy LNG ngừng cung cấp hoặc các đường ống dẫn khí đốt của Nga ngừng hoạt động hoàn toàn. Thậm chí, trong trường hợp có những đợt nắng nóng vào mùa hè này với tốc độ gió thấp, việc sản xuất điện gió có thể bị đình trệ, sẽ đẩy nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá khí đốt châu Âu xuống thấp nhất kể từ năm 2021: Xoa dịu lạm phát, giảm phí tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.