(HNM) - Bảo hiểm thất nghiệp ngày càng khẳng định vai trò là giá đỡ của người lao động, nhất là trong thời điểm không may bị mất việc làm. Nhằm thu hút nhiều người lao động tham gia, các cơ quan thực thi chính sách đang nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.
Nhiều quyền lợi cho người tham gia
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp do hai ngành triển khai, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm… thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; còn ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện thu, chi, quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Với sự cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng, chính sách nhân văn này nhanh chóng đi vào đời sống, thu hút ngày càng nhiều người lao động tham gia. Ngay trong năm đầu tiên triển khai (năm 2009), cả nước đã có gần 6 triệu người tham gia; đến hết năm 2019, con số này tăng lên hơn 13,4 triệu người. Việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi, được tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, trong những năm vừa qua, các cơ quan chức năng đã giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 5,2 triệu lượt người, trong đó khoảng 97% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí để sớm trở lại thị trường lao động.
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ năm 2009 đến nay, toàn thành phố đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho hơn 300.000 lượt người. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phải tạm thời đóng cửa các phiên giao dịch việc làm, song vẫn duy trì tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Nhờ các chính sách trợ giúp kịp thời, đại đa số lao động thất nghiệp ở Hà Nội đã sớm trở lại thị trường lao động.
Chị Đặng Thị Thu Hiền, tổ dân phố 3, phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Sau khi bị mất việc làm vào cuối tháng 2-2020, tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng, đồng thời được tư vấn, giới thiệu việc làm. Hiện tôi đã tìm được việc làm mới và bắt đầu đi làm từ ngày 1-6”.
Thêm giải pháp hỗ trợ
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt, song cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được giải quyết, khắc phục. Đó là chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa mở rộng đến nhóm đối tượng có hợp đồng lao động dưới 3 tháng, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao nhất. Các giải pháp có tính chất giảm thiểu, phòng ngừa, điển hình là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, để người lao động không bị sa thải được thiết kế chưa phù hợp…
Là người trực tiếp triển khai chính sách, bà Bùi Thị An, Trưởng sàn giao dịch việc làm huyện Đông Anh cho rằng, lực lượng lao động thất nghiệp chủ yếu ở độ tuổi 30-40, thuộc nhiều ngành, nghề, trình độ đào tạo. Do đó, hình thức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (3-6 tháng) cho lao động thất nghiệp với một số nghề phổ biến như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy… chỉ phù hợp với nhóm lao động phổ thông, không phù hợp với số đông lao động thất nghiệp. Điều đó lý giải vì sao, dù được hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí, nhiều lao động thất nghiệp vẫn không mặn mà với việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được định hướng trở thành chính sách bảo hiểm việc làm, gắn chính sách bảo hiểm thất nghiệp với các chính sách về việc làm, quản trị thị trường lao động. Dự thảo đề án cũng đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên phạm vi cả nước.
Hiện tại, ngành Bảo hiểm xã hội cũng đang nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thu, chi, quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia. Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.