Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia đình, nhà trường, xã hội cùng vào cuộc

Minh Ngọc| 08/04/2018 07:04

(HNM) - Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em chưa vơi nhức nhối là do nhiều người lớn, kể cả những người có trách nhiệm chăm sóc trẻ còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Vì thế, tăng cường vai trò của chính quyền cơ sở, của mỗi gia đình, nhà trường là cách phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tốt nhất, tạo dựng môi trường an toàn cho trẻ nhỏ.

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Ảnh: Bá Hoạt


Chưa vơi nhức nhối


Người quen, người thân là đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em nhiều nhất - điều tưởng phi lý nhưng lại là thực tế. Cụ thể, vào cuối tháng 3-2018, ông Hoàng Đức H. (trú tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh) đến cơ quan chức năng trình báo về việc cháu ngoại ông là N.L.H. (14 tuổi) bị bố đẻ đánh đến nỗi bầm tím khắp cơ thể. Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, người bố thừa nhận đánh con vì trốn học đi đá bóng. Hoặc ngày 5-4, dư luận “nổi sóng” trước việc một cô giáo Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) phạt học sinh nói chuyện trong giờ học bằng cách bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng…

Thống kê của ngành Công an cho thấy, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đa số vụ việc, thủ phạm là họ hàng, người thân hoặc có quen biết với nạn nhân. Trên thực tế, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có thể lớn hơn nhiều lần con số được công bố, do có nhiều vụ việc không bị phát hiện, tố giác. Từ kinh nghiệm điều tra, Trung tá Khổng Ngọc Oanh, cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, thủ phạm thường lợi dụng trẻ em ở nhà một mình, ở nơi vắng vẻ để tấn công, xâm hại. Một số làm quen với trẻ qua internet, sau đó dụ dỗ, cho tiền rồi khống chế, đe dọa để xâm hại; hoặc lợi dụng trẻ em gái mới lớn, bỏ học ở vùng sâu, vùng xa để lừa đưa ra nước ngoài…

Ông Trần Đức Ngôn (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) phân tích, tình trạng bạo hành trẻ em tại gia đình gia tăng báo hiệu sự đi xuống về văn hóa ứng xử, đạo đức gia đình. Những người làm cha, làm mẹ ngày càng quan tâm nhiều đến đời sống vật chất, đến các yếu tố giúp thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà ít chú trọng đời sống văn hóa tinh thần, tâm, sinh lý của con... Nhận định này không phải không có cơ sở khi trên thực tế, không ít vụ bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trong các gia đình có bố, mẹ ly hôn hoặc chung sống không hạnh phúc.

Tăng cường biện pháp phòng ngừa


Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, khung pháp lý bảo vệ trẻ em hiện tương đối hoàn thiện, đủ sức răn đe. Để bảo vệ trẻ em, trước hết các ngành, địa phương cần đưa Luật Trẻ em và các quy định liên quan đi vào đời sống. Song song với công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của tập thể, cá nhân và ban hành cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ. Vai trò của chính quyền cơ sở cần được nhận diện một cách rõ ràng hơn trong quá trình giải quyết, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong mỗi gia đình, cha mẹ cần trang bị cho bản thân và con kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, tránh bạo lực.

Nhằm giúp trẻ em được bảo vệ với hành lang pháp lý vững chắc hơn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo nội dung dự thảo, những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng không có biện pháp, công cụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em cũng như người đưa thông tin cá nhân trẻ em lên mạng khi không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, mức phạt lên tới hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 đến 6 tháng.

Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc đưa thông tin cá nhân trẻ em lên môi trường mạng có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. Do đó, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em là cần thiết.

Với mong muốn xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em, TP Hà Nội không xem xét công nhận danh hiệu văn hóa đối với những gia đình, địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã xây dựng, phát triển mạng lưới câu lạc bộ “Gia đình văn minh hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Gia đình phát triển bền vững”; duy trì, nhân rộng mô hình điểm về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến trẻ em. Tại Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 16-1-2018 về trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, UBND TP Hà Nội yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với hành vi xâm hại trẻ. UBND TP Hà Nội cũng định hướng cho các đơn vị chức năng xây dựng, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em...

Với hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, nguồn lực dành cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em tăng lên, hy vọng tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em sớm chấm dứt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia đình, nhà trường, xã hội cùng vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.