(HNMO) - Từ ngày 1/8/2013, Hà Nội là nơi gần như cuối cùng thực hiện tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập. Nhiều bệnh nhân đang lo lắng liệu chất lượng KCB có tăng tương xứng?
Ảnh minh họa. (Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội) |
Bước vào quý 3 năm 2013, với việc giá xăng rồi tiếp theo là giá điện tăng, khiến phần lớn dư luận không đồng tình vì lo lắng nhiều mặt hàng khác lại tăng giá. Dĩ nhiên việc tăng giá nói trên đều được các cơ quan điều hành quản lý nhà nước giải thích rõ ràng không thể không tăng nhưng cố gắng làm sao để các đối tượng hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp ít bị ảnh hưởng nhất.
Riêng Hà Nội cũng từ ngày 1/8/2013, trong số 2.184 giá dịch vụ khám chữa bệnh, Hà Nội sẽ điều chỉnh giá của 819 dịch vụ, giữ nguyên 1.365 dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập. Cụ thể sẽ có 712 dịch vụ tăng giá, 8 dịch vụ giảm giá và bổ sung 99 giá dịch vụ mới, một số dịch vụ được tăng giá gấp đôi so với giá hiện hành.
Được biết, quyết định điều chỉnh giá lần này của Hà Nội là nhằm thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về “Điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập thuộc TP Hà Nội”. Và Hà Nội là địa phương thực hiện việc này chậm nhất so với các địa phương khác trong cả nước, chỉ trước thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng chú ý là các mức điều chỉnh hầu hết đều nằm dưới mức trần dịch vụ do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định tại Thông tư liên tịch số 04, áp dụng từ 1/8/2013 và bằng 100% mức trần quy định tại Thông tư liên tịch số 04 áp dụng từ năm 2016.
Với sự điều chỉnh giá như vậy, ngành Y tế Hà Nội cho rằng, cũng chỉ mới tính đúng chứ chưa thể tính đủ các chi phí xảy ra trong thực tế. Tuy nhiên, đây là việc cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Nhiều nhà quản lý cho biết, khả năng tác động của mức tăng dịch vụ viện phí như trên hầu như không ảnh hưởng nhiều đến việc có hay không đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công của người dân. Hầu hết các bệnh viện đều chung quan điểm rằng, tăng viện phí lần này là phù hợp, nhằm tránh việc chi ngân sách quá lớn để bù cho các bệnh viện.
Còn đối với người dân, nhất là những đối tượng nghèo, lương thấp, người hưu trí… thường đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) lại có nỗi niềm lo lắng riêng. Bởi đây là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất của việc tăng giá xăng dầu, điện vừa qua, ảnh hưởng ngay đến chi tiêu của họ hàng ngày, nay lại thêm tăng giá các dịch vụ y tế, chắc chắn sẽ làm tăng thêm khó khăn cho họ khi bị đau ốm và chất lượng khám chữa bệnh liệu có kịp tăng theo giá dịch vụ?
Phải nói rằng đây là những lo lắng có cơ sở bởi cách đóng, chi trả BHYT hiện nay không phải ai cũng được cơ quan bảo hiểm chi trả hoàn toàn, chắc chắn họ phải phải móc túi mình để trả thêm cho các dịch vụ. Hơn nữa, chất lượng khám chữa bệnh của ngành Y tế bấy lâu nay cũng đang khá nhiều chuyện ì xèo. Chất lượng khám chữa bệnh không những phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại của ngành y mà còn phụ thuộc vào y đức, vào trình độ chuyên môn của người thầy thuốc. Đây lại là những vấn đề không phải giải quyết ngày một ngày hai được!
Về những băn khoăn đó, một số người cho rằng, viện phí tăng sẽ đưa lại nhiều lợi ích cho người nghèo, trẻ em và các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh bởi chất lượng dịch vụ sẽ được cải thiện và viện phí mới không ảnh hưởng đến những người có thẻ BHYT, được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Với những người có BHYT và phải cùng chi trả 20%, thì chi phí tăng thêm cho mỗi lần khám, chữa bệnh cũng không đáng lo ngại.
Được biết, qua đợt tăng giá này, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở y tế phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang thiết bị phục vụ, các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa… cho các phòng khám, buồng khám và 15% đối với số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản, dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa đúng theo quy định hiện hành. Đồng thời, để nâng cao y đức, trình độ chuyên môn của thầy thuốc, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế nhà nước phải cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn về tình trạng bệnh, sức khỏe, phương án điều trị an toàn, hợp lý, phải giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh yêu cầu.
Việc tăng giá bao giờ cũng có mặt tiêu cực và mặt tích cực. Để phát huy mặt tích cực, thành phố Hà Nội cần có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng thực sự khó khăn, đồng thời có chương trình làm sao mọi người dân Hà Nội đều mua bảo hiểm y tế. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trước hết, người thầy thuốc cần nâng cao tinh thần thái độ phục vụ chu đáo, giải thích, tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân, đó mới là y đức, thể hiện rõ chất lượng của ngành Y. Qua đó, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ dần dần thuyết phục người dân và có tính khả thi cao!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.