Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá dầu thế giới giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2016

Theo TTXVN/Báo Tin tức| 01/11/2018 09:23

Trong phiên giao dịch ngày 31-10, giá dầu thế giới đi xuống và ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2016, trước sự gia tăng nguồn cung.

Sức ép từ gia tăng nguồn cung

Chốt phiên này tại New York (Mỹ), giá dầu Brent giao tháng 12-2018 giảm 0,44 USD xuống 75,47 USD/thùng, còn hợp đồng giao tháng 1-2019 giảm 0,91 USD xuống 75,04 USD/thùng. Trong lúc giá dầu chuẩn Tây Texas (dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ) giảm 0,87 USD xuống 65,31 USD/thùng.

Cả hai mặt hàng trên đều sụt mất hơn 10 USD/thùng so với mức cao nhất trong bốn năm đã đạt được hôm 3-10. Tháng 10 cũng là tháng chứng kiến dầu Brent và WTI giảm mạnh nhất kể từ tháng 7-2016, với các mức giảm lần lượt là 8,8% và 10,9%.

Theo các chuyên gia, những dấu hiệu về sự gia tăng nguồn cung trên toàn cầu đã gây sức ép đối với thị trường dầu mỏ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của nước này đã tăng 416.000 thùng/ngày lên 11,346 triệu thùng/ngày trong tháng 8.

Số liệu từ Refinitiv Eikon cho thấy sản lượng dầu từ Nga, Mỹ và Saudi Arabia lần đầu tiên đạt 33 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ ba nhà sản xuất kể trên cũng đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” trên toàn cầu. Trong tháng 10, sản lượng dầu của Nga đạt 11,41 triệu thùng/ngày, mức cao chưa từng có kể từ khi Liên bang Xô Viết tan vỡ năm 1991.

Giá vàng rơi xuống gần "đáy" của ba tuần lại đây

Trong khi đó, giá vàng thế giới trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 (ngày 31-10) cũng rơi xuống mức gần mức “đáy” của ba tuần khi đồng USD leo lên mức cao nhất 16 tháng và thị trường chứng khoán phục hồi đã thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các tài sản mang tính rủi ro hơn.

Trên sàn giao dịch COMEX (New York, Mỹ), chốt phiên 31-10, giá vàng Mỹ giao tháng 12-2018 giảm 10,3 USD (0,84%) xuống 1.215 USD/ounce. Còn giá vàng giao ngay có lúc cũng giảm 0,8% xuống 1.213 USD/ounce, sau khi đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 11-10 là 1.211,52 USD/ounce.

Tuy vậy, kim loại quý này vẫn trên đà hướng đến tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 1-2018, với mức tăng 1,7% trong tháng 10, chấm dứt chuỗi sáu tháng mất giá liên tiếp do thị trường chứng khoán biến động. Đó cũng là chuỗi mất giá dài nhất của vàng kể từ giai đoạn tháng 8-1996 đến tháng 1-1997 đến nay.

Các chuyên gia phân tích cho hay giới đầu tư vàng sẽ theo dõi sát sao cuộc bầu cử quốc hội tại Mỹ diễn ra vào ngày 6-11 tới để xác định liệu đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Quốc hội.

Giá vàng đã mất khoảng 11% giá trị kể từ tháng 4-2018, do lãi suất gia tăng tại Mỹ và cuộc chiến thương mại trên toàn cầu đe dọa đà tăng trưởng kinh tế các nước. Điều này thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến đồng USD như là một kênh an toàn, qua đó khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ đối với những khách mua sở hữu đồng tiền khác.

Cùng phiên trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,2% xuống 14,3 USD/ounce sau khi rơi xuống mức thấp 14,2 USD/ounce ghi nhận được hôm 10-10. Trong khi đó, giá bạch kim tăng 0,6% lên 837,60 USD/ounce, còn giá palađi tăng gần 0,7% lên 1.080,47 USD/ounce.

Chứng khoán thế giới tăng điểm

Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm khá mạnh, khép lại một tháng giao dịch đầy “buồn phiền” đối với giới đầu tư.

Cụ thể, chốt phiên này tại thị trường Phố Wall (Mỹ), chỉ số S&P 500 ghi thêm 1,1% lên 2.711,74 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 25.115,76 điểm. Trong lúc chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2% và khép phiên ở mức 7.305,90 điểm.

Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 trên thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 1,3% lên 7.128,10 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cũng ghi thêm 1,4% lên 11.447,51 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 1,6% và khép phiên ở mức 3.197,51 điểm. Đáng chú ý trong phiên này là tại thị trường Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 tăng 2,3% lên 5.093,44 điểm.

Tuy vậy, tính trong cả tháng 10, chỉ số S&P 500 lại giảm tới 6,9%, mức giảm tính theo tháng lớn nhất của chỉ số này kể từ năm 2011. Chỉ số MSCI Thế giới, tổng hợp chứng khoán của 23 quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới, sụt giảm hơn 8% - mức giảm tồi tệ nhất trong 6 năm qua.

Giao dịch viên tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ ngày 11/10/2018. Ảnh: THX/TTXVN


Chỉ số CAC 40 ở thị trường Pháp cũng mất hơn 7% trong cả tháng, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8-2015, trong khi các thị trường Frankfurt và London cũng ghi nhận các mức thụt lùi khá lớn.

Theo S&P Dow Jones Indices, các mức giảm trong tháng 10 tương đương với mức thiệt hại khoảng 5.000 tỷ USD của các nhà đầu tư trên toàn cầu tình đến cuối phiên ngày 30-10. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu thời kỳ "tăm tối" nhất đã qua hay còn có thêm một đợt bán tháo nữa từ nay đến cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu thế giới giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2016

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.