Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá dầu thế giới: Chấm dứt thời kỳ “ngủ đông”

Vân Khanh| 22/02/2012 06:26

(HNM) - Chỉ một ngày sau khi triệu đại sứ 6 nước Châu Âu để thông báo sẽ "cắt" cung dầu như một động thái trả đũa lệnh cấm vận dầu khí của Liên minh Châu Âu (EU), Iran bất ngờ chuyển hướng với quyết định sẽ "ngừng làm ăn" trong lĩnh vực năng lượng với hai đối tác Anh và Pháp.


Như chỉ chờ có thế, sự chuyển mình của thị trường dầu trong 48 giờ qua đã lập tức có bước nhảy lớn. Dầu ngọt nhẹ tại New York ngày 21-2 tiếp tục tăng 2,1%, lên 105,44 USD/thùng. Cộng thêm 2,2 USD chỉ trong một phiên giao dịch, dầu thô đã vọt lên mức cao nhất trong 9 tháng qua và nối tiếp chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 12 năm ngoái đến nay. "Cú đòn" từ Trung Đông cũng khiến giá dầu Brent Biển Bắc lên mức cao chưa từng thấy kể từ giữa tháng 6-2011 khi kết thúc các hợp đồng của tháng 4 ở ngưỡng 121,15 USD/thùng.

Dầu từ Iran không chảy tới Châu Âu đang gây biến động trên thị trường dầu
thế giới.

Dù đã chuẩn bị những phương án dự phòng nhằm trấn an dư luận về các tác động được dự báo từ căng thẳng chính trị đến năng lượng giữa Iran và phương Tây, song thực tế cho thấy chẳng cần chờ đến khi lệnh cấm của EU có hiệu lực từ 1-7, cú "ra đòn" trước của Tehran đã ngay tức thì tạo một cơn sốt trên thị trường nhiên liệu vốn đang khá yên ả. Chính quyền của Tổng thống Mahmoud Amedinejad đã không khoanh tay đứng nhìn EU đơn phương áp đặt luật chơi thông qua quyết định trừng phạt thương mại đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran khắp Châu Âu. Như vậy, kế hoạch trì hoãn lệnh cấm vận đến gần 7 tháng để các thành viên có đủ thời gian tìm nguồn cung năng lượng thay thế dầu Iran của EU đã không được "đầu xuôi đuôi lọt".

Dẫu rằng một số quốc gia Châu Âu không phụ thuộc nhiều vào dòng nhiên liệu từ Tehran như Hy Lạp hay Italia, song sự tức giận của Iran không thể không khiến những bạn hàng truyền thống như Anh, Pháp phải vất vả toan lo việc nhanh chóng tìm kiếm lượng dầu vừa bị thiếu hụt. Trước thông tin từng được đồn đoán và nay thành hiện thực, thị trường lo ngại hành động ngừng toàn bộ xuất khẩu dầu sang hai thành viên quan trọng của EU - như một phản ứng đầu tiên của Tehran trước "cuộc chiến tổng lực" của phương Tây sẽ gây căng thẳng tất yếu về nguồn cung dầu mỏ. Quan trọng hơn, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Ngay cả khi Iran không đình chỉ giao dịch năng lượng trước thời hạn với các quốc gia Châu Âu thì ngày 1-7 đương nhiên sẽ tới. Đến lúc đó, cả EU sẽ cần khoảng 600.000 thùng dầu mỗi ngày từ các đối tác khác để lấp bù số dầu thiếu hụt từ nhà cung cấp lâu năm Iran.

Có lẽ vấn đề sẽ đơn giản hơn nếu như báo cáo mới nhất của Ngân hàng Goldman Sachs không đưa ra số liệu gây dao động. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ năng lượng thế giới vẫn ở mức khiêm tốn do nền kinh tế toàn cầu chưa đạt tốc độ hồi phục như mong muốn, nhưng mức tăng dự trữ dầu của 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lại duy trì ở ngưỡng đáng báo động. Chưa khi nào trong 5 năm qua, con số này chỉ tăng thêm 11,4 triệu thùng, bằng 1/4 mức tăng trung bình của cả 5 năm. Không kể công suất dự phòng của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mất đi 26% kể từ tháng 3-2011 xuống 4,685 triệu thùng/ngày trong tháng 1 vừa qua, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2008, đà tăng dự trữ chậm chạp hiện thời phản ánh sự thực là sản lượng khai thác dầu của các nước bên ngoài OPEC cũng đang suy giảm. Điều đáng ngại hơn khi quốc gia luôn được đặt kỳ vọng về sản lượng dầu là Saudi Arabia dù xuống 9,65 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn chút ít mức cao nhất trong 30 năm là 9,85 triệu thùng/ngày hồi tháng 8 năm ngoái cũng đã đưa ra dự báo lượng dầu tồn kho của thế giới có thể sớm tiệm cận mức nguy hiểm.

Vẫn còn xa so với kỷ lục gần 150 USD/thùng mà giá dầu từng đạt được trong đợt suy thoái kinh tế năm 2008, nhưng cuộc đối đầu năng lượng giữa Iran và phương Tây dù thế nào cũng sẽ gây bất ổn nhất định về nguồn cung. Cùng với niềm hy vọng nền kinh tế thế giới sẽ vận hành nhuần nhuyễn hơn để sớm ra khỏi bóng đen suy thoái, nhu cầu về nhiên liệu tất yếu sẽ gia tăng tương ứng. Với cú chạm ngưỡng mới của giá dầu thế giới trong 48 giờ qua, rất có thể, thời kỳ ngủ đông của giá dầu đã khép lại, báo hiệu một giai đoạn sôi động mới của giá dầu trong những ngày tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu thế giới: Chấm dứt thời kỳ “ngủ đông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.