Sáng 7-1, nhờ sự lạc quan trên thị trường về việc Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ sớm giải quyết được những xung đột thương mại, nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất “vàng đen” hàng đầu thế giới cũng hỗ trợ thị trường dầu mỏ.
Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lúc 8h11' ngày 7-1, tại thị trường Singapore, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 55 xu Mỹ (tương đương 1%) so với mức giá đóng cửa của ngày giao dịch trước đó, lên 57,61 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 53 xu Mỹ (1,1%) lên 48,49 USD/thùng.
Các thị trường tài chính đang khá “phấn chấn” khi bước vào ngày giao dịch 7-1 trước những dự đoán về các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc (bắt đầu diễn ra từ ngày 7-1) để giải quyết những xung đột thương mại - điều sẽ dẫn tới khả năng giảm bớt căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Ngoài ra, các thương nhân cho hay giá dầu thô kỳ hạn cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mà các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những nước sản xuất dầu ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã nhất trí thực hiện từ cuối năm 2018.
Theo một cuộc khảo sát hồi tuần qua của hãng tin Reuters, nguồn cung dầu trong tháng 12-2018 của OPEC đã giảm 460.000 thùng/ngày xuống còn 32,68 triệu thùng/ngày, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng trước tiên của Saudi Arabia - nước sản xuất dầu hàng đầu trong OPEC.
Tuy vậy, sản lượng dầu thô tại Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày trong tuần cuối cùng của năm 2018 (theo số liệu công bố hằng tuần vào ngày 4-1 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ). Điều này đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, xếp trên Nga và Saudi Arabia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.