Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn lực đất đai rất lớn. Tuy nhiên, giá đất do Nhà nước quy định chênh lệch rất xa so với giá thị trường, khiến nguồn lực đất đai của thành phố bị “kìm kẹp”. Việc bảng giá đất điều chỉnh tăng tiệm cận giá thị trường được kỳ vọng sẽ "giải phóng" nguồn lực to lớn này.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang áp dụng bảng giá đất tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16-1-2020 của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Dù sau nhiều lần điều chỉnh, bảng giá đất năm 2020 vẫn rất “lạc hậu” so với giá thị trường.
Đơn cử, bảng giá đất năm 2020, giá đất cao nhất tại quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức) chỉ 22 triệu đồng/m². Tuy nhiên, hiện giá thị trường ở thành phố Thủ Đức có nơi lên tới 300 triệu đồng/m².
Mức giá của bảng giá đất điều chỉnh tăng từ 3-7 lần so với bảng giá đất đang áp dụng, đưa giá đất do Nhà nước quy định tiệm cận với giá thị trường. Với dự thảo bảng giá đất điều chỉnh này, chỉ có một đối tượng tác động không mong muốn, đó là hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ thực hiện nộp nghĩa vụ tài chính cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, điều này bảo đảm sự công bằng với những người không có mét vuông đất ở nào phải đi mua đất ở với giá thị trường (có thể cao hơn bảng giá đất).
Theo số liệu thống kê, toàn thành phố có 1.728.639 thửa đất. Tính đến tháng 6-2024, thành phố đã thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 99,55%, số thửa đất còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận là 7.779 thửa, chủ yếu phân bổ ở các quận, huyện vùng ven. Như vậy, số đối tượng bị tác động không mong muốn không đáng kể.
Trong khi đó, có ít nhất 7 tác động tích cực của bảng giá đất điều chỉnh mang lại. Cụ thể, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất tăng lên đáng kể; khắc phục tình trạng “đất hai giá” (hợp đồng khai thuế thấp hơn hợp đồng giao dịch thực), bảo đảm công bằng, hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước; người có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng hơn, với số tiền được bồi thường cao hơn; các dự án, công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện triển khai theo đúng tiến độ, không bị ách tắc; đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai (như thủ tục xác định giá đất cụ thể) cho cá nhân, tổ chức; giảm các hành vi vi phạm hành chính về đất đai do tăng mức phạt (như hành vi chậm đưa đất vào sử dụng nhằm “đầu cơ” đất); góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư trên địa bàn thành phố, đồng thời điều chỉnh giá bán các sản phẩm bất động sản phù hợp hơn, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có nhu cầu có thể tiếp cận.
Như vậy, có thể nói, đây là bước ngoặt mang tính đột phá trong lĩnh vực đất đai. Mặc dù vẫn còn đối tượng có thể gặp bất lợi, nhưng lợi ích tổng thể cần phải được khẳng định. Đó là đưa đất đai về đúng giá trị thực, khơi thông nguồn lực đất đai và giúp người có đất bị thu hồi giảm thiểu thiệt thòi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.