Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia công và... gia công!

Thắng Ngọc| 17/07/2010 06:02

(HNM) - Ngành da giày của nước ta đang có những bước phát triển khá ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 2 tỷ USD, cả năm dự kiến đạt 5,57 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

(HNM) - Ngành da giày của nước ta đang có những bước phát triển khá ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm 2010 đạt hơn 2 tỷ USD, cả năm dự kiến đạt 5,57 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất giày vải xuất khẩu tại Công ty Giày Thụy Khuê. Ảnh: Trung Kiên


Bộ Công thương cho biết, sản phẩm da giày của nước ta đã XK sang hơn 50 nước và vùng lãnh thổ, với nhiều chủng loại như giày thể thao, giày vải, giày da nam, nữ và dép các loại. 6 tháng đầu năm, kim ngạch XK giày dép của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với không ít thách thức để duy trì sản xuất và bảo đảm chỉ tiêu về đích với kim ngạch 5,57 tỷ USD trong năm nay. Theo đánh giá của Hiệp hội Da giày Việt Nam, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức do việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da vào thị trường EU, nhưng năm nay ngành da giày cả nước đã có những dấu hiệu phục hồi với sự gia tăng và ổn định đơn hàng ở hầu hết các thị trường trọng điểm.

Trong đó, kim ngạch XK vào thị trường Nhật Bản đạt 63 triệu USD, tăng 22,5%, Hoa Kỳ: 501 triệu USD tăng 12,7%; tiếp đến là các thị trường Anh, Đức... Mặc dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn vì thiếu đơn hàng, nhưng các DN XK của ngành da giày đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt lao động tại hầu hết các DN. Theo kết quả khảo sát mới đây của ngành chức năng, hầu hết các DN da giày XK đều thiếu từ 100 đến 200 lao động, thậm chí có DN thiếu đến 300 lao động. Đây được coi là hệ lụy của khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn đến việc thiếu đơn hàng của các DN từ năm trước, vì thế các DN thiếu việc làm đã không đủ chi phí để giữ công nhân. Hiện nay, đơn hàng XK nhiều, nhưng ngành này vẫn không thu hút được công nhân là do giá gia công thấp và việc biến động tỷ giá một số đồng ngoại tệ mạnh đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các DN.

Bên cạnh đó, việc gia hạn thuế chống bán phá giá lên giày mũ da tại thị trường EU và không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) luôn là yếu tố khiến các DN bị nhiều khách hàng lợi dụng ép giá khi giao dịch ký hợp đồng. Ngoài ra, nguồn nguyên phụ liệu còn phụ thuộc vào nhập khẩu, nên cũng gây khó khăn cho các DN. Theo các chuyên gia, trước tình trạng thiếu lao động như hiện nay, các DN trong ngành nên tăng ca hoặc liên kết, hợp tác với nhau để đáp ứng các đơn hàng đã ký. Tuy nhiên, về lâu dài, DN cần coi trọng việc đào tạo nghề cũng như có chính sách ưu đãi để giữ chân người lao động. Đặc biệt, ngành da giày cần sớm đẩy mạnh đầu tư vào khâu thiết kế. Đây là khâu yếu nhất hiện nay của ngành này khi sản xuất ra những sản phẩm XK và cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho ngành da giày mặc dù đứng trong top 10 nước XK da giày hàng đầu thế giới, nhưng vẫn chỉ làm gia công.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, các DN XK của ngành da giày đang từng bước điều chỉnh cơ cấu, đổi mới máy móc thiết bị, chú trọng sản xuất các sản phẩm trung, cao cấp; các loại giày da, cặp và túi xách thông dụng, thời trang; tập trung quản lý và thiết kế mẫu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong, ngoài nước. Nhiều DN trong ngành đã xây dựng, lắp đặt những dây chuyền sản xuất hiệu quả, những nhà xưởng sản xuất được điều hành chuyên nghiệp, ứng dụng nhiều biện pháp quản lý hiện đại như ISO 9000, quản lý chất lượng toàn diện (TQM)… để đạt năng suất cao, chất lượng ổn định, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời sớm thoát khỏi cảnh gia công cho các DN nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia công và... gia công!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.