(HNM) - Cũng như mọi năm, giá cả thị trường trong và sau Tết Nguyên đán luôn biến động. Tại Hà Nội sáng mùng ba Tết, nhiều khu chợ đã lác đác mở hàng. Thực phẩm các loại được bày bán khá dồi dào, song giá rau, thịt tươi đã đội lên rất cao so với thời điểm giáp Tết. Không chỉ phải mua thực phẩm giá cao, người dân cũng bị một phen khốn khổ vì phí trông giữ xe máy, ô tô trong những ngày Tết đã đua nhau tăng giá so với ngày thường.
Ảnh minh họa từ internet |
Sáng mùng ba Tết, tại một số khu vực trong nội thành Hà Nội, người dân đã dễ dàng tìm mua đủ loại thực phẩm để chế biến món lẩu hay bún riêu, vốn được ưa thích sau những bữa ăn nhiều thịt, cá ngày Tết. Tuy nhiên, giá thực phẩm tăng khá cao. Thịt ba chỉ được bán ở mức 65.000 đồng/kg; mông sấn: 75.000 đồng/kg; nạc thăn: 85-90.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với trước Tết. Giá thịt bò cũng tăng lên 60.000 đồng/kg. Hiện giá thịt bò thăn dao động ở mức 180.000 đến 200.000 đồng/kg. Các loại rau tươi dùng để chế biến món lẩu như muống, cần, cải xoong dao động ở mức 8.000-10.000 đồng/mớ; giá cà chua cũng tăng lên 15.000-20.000 đồng/kg; su hào 8.000 đồng/củ; súp lơ: 12.000 đồng/cây, cao gần gấp đôi so với ngày thường. Bún là một trong những loại hàng đặc biệt đắt hàng sau Tết nên giá cũng bị đẩy lên rất cao. Nếu như trước Tết, giá bún là 12.000 đồng/kg, thì sáng mùng ba Tết, giá đã lên tới 30.000 đồng/kg... Một số tiểu thương cho biết, do đã chuẩn bị nguồn hàng từ trước Tết nên lượng rau, thịt tươi, bún... rất dồi dào.
Món bún riêu với vị thanh, mát được nhiều cửa hàng phục vụ trong suốt dịp Tết, song giá khá cao, hiện giá là 15.000 đồng/bát, nếu thêm đủ vị: đậu rán, giò tai và thịt bò có thể lên tới 30.000 đồng/bát, cao gấp đôi so với ngày thường. Phở bò, món quà truyền thống Hà Nội cũng tăng giá lên tới 30.000-40.000 đồng/bát. Lý giải về việc tăng giá, nhiều chủ cửa hàng cho biết, do giá nguyên liệu chế biến như: bún, phở, thịt, hành... đều tăng cao trong dịp Tết, nên nhà hàng buộc phải điều chỉnh giá bán. Ngoài ra, nhà hàng cũng tính thêm phí dịch vụ phục vụ Tết vào giá thành, do giá nhân công cao hơn ngày thường.
Giá phí trông xe cũng đua nhau tăng vọt. Trong 3 ngày Tết, các bãi trông xe trước cửa chùa, đền và địa điểm vui chơi giải trí mọc lên san sát. Mỗi chủ bãi xe đưa ra một mức giá khác nhau, thấp nhất là 5.000 đồng/xe máy/lượt; cao nhất là 20.000 đồng (xe máy) và 50.000 đồng (ô tô). Tại điểm trông xe phố Hàng Dầu (đối diện đền Ngọc Sơn), phí trông xe máy thấp nhất là 10.000 đồng/lượt, cao nhất lên đến 20.000 đồng. Khu vực chùa Phúc Khánh (gần Ngã Tư Sở, Hà Nội), phí trông xe máy được thu đồng hạng ở mức 10.000 đồng/lượt; ô tô 50.000 đồng/lượt. Tại chùa Quán Sứ, có bãi xe thu 5.000 đồng/xe máy/lượt, nơi lại thu 10.000 đồng. Khi chúng tôi gửi xe, một chủ bãi xe gần chùa Quán Sứ thông báo, giá trông xe máy ở đây chỉ 10.000 đồng/lượt, còn bãi phía trên đã thu tới 20.000 đồng/lượt. Trước tình trạng phí trông xe tăng cao, nhiều khách gửi xe tỏ ý bất bình, song chủ bãi đều lấy lý do đầu xuân nên tăng giá "đôi chút".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.