(HNM) - Dạo quanh các tuyến phố lớn, trung tâm của Hà Nội đều dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của các cửa hàng bán bánh trung thu với nhiều nhãn hiệu quen thuộc như Bánh mứt kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà… cùng rất nhiều nhãn hàng tư nhân khác…
Chạy đua giá "khủng"...
Dẫn đầu thị trường bánh trung thu giá cao (dưới tên gọi bánh trung thu cao cấp) năm nay là khách sạn Hà Nội với dòng sản phẩm Vương Kim Tri Ngộ mà điểm nhấn là Vương Kim Tri Ngộ Ballantine's 30 (gồm 4 bánh to nhân sen trắng, hai lòng đỏ trứng mặn và 1 chai rượu Ballantine's Whisky 30 năm) có giá tới 11.998.000 đồng. Cũng thuộc hàng siêu sang là bánh trung thu Long Đình An Quý với vỏ hộp được làm từ gỗ, thiết kế sang trọng, có tranh An Viên với chốt mạ vàng, trong "ruột" ngoài 8 chiếc bánh còn có rượu, trà, giá gần 4,5 triệu đồng/hộp. Không chịu kém cạnh, khách sạn Hilton Opera cũng vào cuộc với dòng sản phẩm hộp VIP Bạch Kim với rượu Hennessy giá 3,8 triệu đồng, hộp VIP vàng với rượu Johnnie Walker có giá 2,8 triệu đồng... Không chỉ các khách sạn, nhiều hãng bánh kẹo sản xuất bánh trung thu cũng đua nhau "tung" những hộp bánh giá bạc triệu ra thị trường. Công ty Kinh Đô có bộ sưu tập Trăng vàng với các dòng sản phẩm Trăng vàng kim cương, bạch kim, hoàng kim, hồng ngọc có giá hơn 2 triệu đồng/hộp. Công ty CP Bibica hiện có dòng bánh Đế Nguyệt cũng có giá khoảng 1,2 triệu đồng/hộp. Bánh trung thu Đại Phát loại sử dụng các hương vị quý hiếm từ bào ngư, yến sào táo đỏ, phô mai, đậu xanh tuyết... giá 1-1,3 triệu đồng/hộp…
Phố bánh trung thu… đìu hiu (ảnh chụp lúc 10h ngày 14-9 trên phố Bà Triệu).
Ảnh: Nguyên Hà
Người tiêu dùng bình thường thấy "choáng" với các loại bánh có giá "trên trời" này. Nhiều người cho biết, có thừa tiền cũng không mua vì tiêu dùng như vậy là quá phi lý. Tuy nhiên, đứng ở góc độ sử dụng, người ta vẫn phải đặt ra câu hỏi: Liệu những hộp bánh như thế có thực sự ngon và bổ dưỡng hay không? Nhân bánh được quảng cáo làm bằng các loại nguyên liệu quý như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, vi cá, yến sào, trứng cá hồi, cua huỳnh đế, bào ngư Bắc Kinh, tôm Wasabi, sò điệp Hongkong… nhưng tỷ lệ các sơn hào hải vị ấy chiếm bao nhiêu phần trăm trong mỗi chiếc bánh thì chỉ nhà sản xuất mới biết? Ngoài ra, tiền vỏ hộp cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ (có loại vỏ hộp giá lên đến gần cả triệu đồng) khiến giá trị thực của nhiều loại bánh trung thu chỉ chiếm khoảng 30-50% giá bán - càng xa rời mục đích tiêu dùng bình thường. Nhiều ý kiến cho rằng, dù đắt, quý, hiếm đến đâu thì giá của những nguyên liệu làm bánh trung thu cũng chỉ có mức độ nên giá bánh cao có tương xứng với chất lượng hay không rất khó khẳng định. Song dù sao, đây hoàn toàn là những sản phẩm không phải cho người tiêu dùng đại chúng, lại càng không dành cho trẻ em trong dịp Tết Trung thu cổ truyền.
… và chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm
Bình thường, bánh trung thu ít khiến người tiêu dùng phải lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm bởi sản phẩm được làm với các nguyên liệu sạch, thành phẩm lại qua nhiệt độ cao (bánh nướng), song thực tế lại không như vậy. Ngày 10-9, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bánh trung thu tại cơ sở Hoàng Gia (189 Hoàng Cầu) - một thương hiệu bánh khá quen thuộc của người Hà Nội, được "mục sở thị" khu vực sản xuất chỉ chừng 10m2 ngổn ngang bánh, khuôn, bột, nhân bánh, thậm chí nguyên liệu làm bánh còn để dưới nền nhà, nhiều túi đựng hạt sen không có nhãn mác. Hầu hết nhân viên đang sản xuất không mặc đồng phục, đeo khẩu trang và trộn bột, lăn bánh bằng tay "trần"… Kiểm tra các quầy bán bánh trung thu Bảo Ngọc, Hữu Nghị trên vỉa hè đường Lê Văn Lương, tuy nhiều màu sắc rực rỡ, bắt mắt nhưng không ít hộp bánh lại bày dưới... nền đất. Hoặc như trong hộp bánh cao cấp của Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị giá 1,7 triệu đồng, có kèm chè và rượu ngoại nhưng nhân viên lại không xuất trình được giấy phép kinh doanh rượu. Còn ở "trung tâm phát luồng" bánh trung thu Xuân Đỉnh, cảnh làm bánh trong những gian bếp chật chội, ẩm thấp, vỏ bánh được nhào bằng tay trên bàn gỗ cũ, nhân được trộn trong chậu, xoong cáu bẩn là chuyện bình thường. Chưa kể đến nguồn nước, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu…
Vỉa hè các trục đường lớn như Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Liễu Giai, Giải Phóng, Giảng Võ, Tây Sơn… đều hiện diện những quầy bánh trung thu. Các quầy hàng này đều phải trả những chi phí như chiết khấu bán hàng, quảng cáo, thuê mặt bằng, khuyến mãi… khá cao. Ngoài giá nguyên liệu tăng cao, đây cũng là một nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm "đội" lên từ 10-15% so với Trung thu năm ngoái.
Hiện nay, việc bán bánh trung thu qua mạng cũng khá phổ biến, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Với các hãng lớn, uy tín, người tiêu dùng có thể yên tâm mua hàng trực tuyến. Nhưng với một số trang web tư nhân không tên tuổi, người tiêu dùng có thể bị lừa bởi những chiêu khuyến mãi như chiết khấu 30%, giao hàng tận nơi miễn phí... song bánh được giao tận nhà mà không giống trong hình đã quảng cáo, hoặc bánh không có nhãn mác hay đã gần hết hạn sử dụng. Vì vậy, người tiêu dùng cần sáng suốt để không "tiền mất, tật mang".
Xung quanh chiếc bánh trung thu quả có nhiều điều phải nói. Điều rõ nhất là, càng ngày, bánh trung thu không chỉ còn dành riêng cho trẻ em vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm nữa mà đã được không ít người lớn "thực dụng hóa", khiến cho một bộ phận xã hội thờ ơ. Thế nên, ngày Tết Trung thu cổ truyền, người tiêu dùng nên chọn lựa cho gia đình, người thân của mình những hộp bánh trung thu truyền thống, hợp khẩu vị, phù hợp túi tiền và nhất là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.