(HNMO)-Nếu như phiên trước nhóm cổ phiếu lớn có vai trò quan trọng cho sự đi lên của Vn-Index thì hôm nay (20/9) chính nhóm này lại khiến chỉ số chung đảo chiều mất hơn 7 điểm. Khối lượng giao dịch không cao bởi nhà đầu tư lưỡng lự mua vào.
Sự đi xuống của thị trường trong phiên này ít nhiều bị ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Đóng cửa phiên đầu tuần tại thị trường Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 108,08 điểm (-0,94%), xuống còn 11.401,01 điểm; chỉ số Nasdaq mất 9,48 điểm, (-0,36%), còn 2.612,83 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 11,92 điểm (-0,98%), xuống 1.204,09 điểm. Trong khi đó trong nước không có thông tin tích cực nào có sức ảnh hưởng đến thị trường, phiên tăng điểm hôm qua chủ yếu nhờ hoạt động cơ cấu lại danh mục của nhà đầu tư, trong đó là sự chuyển dịch dòng tiền sang nhóm mã cổ phiếu lớn bởi nhóm này không tăng hoặc tăng ít trong đợt tăng điểm vừa rồi.
Chính vì vậy, ở cả 3 đợt khớp lệnh, Vn-Index đều đi xuống và giảm mạnh dần qua từng đợt trong phiên hôm nay. Điều này cho thấy, càng về cuối phiên nhà đầu tư càng bán ra nhiều hơn. Cụ thể, ở đợt khớp lệnh đầu Vn-Index giảm 2,36 điểm, tương đương 0,51 điềm, còn 459,32 điểm. Sang đợt khớp lệnh liên tục chỉ số chung còn 454,54 điểm khi hạ 7,14 điểm (-1,55%). Đóng cửa thị trường, Vn-Index dừng ở mức 454,37 điểm, mất 7,31 điểm (-1,58%).
Khác với hôm qua, ngày 20/9, cả 3 chỉ số chứng khoán đều giảm điểm |
Rất nhiều cổ phiếu lớn giảm giá: CTG, DIG, DXG, FPT, GMD, HPG, ITA, KDC, SSI, VCB, VPL, OGC, PPC, PVF mất 100-4.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, BVH giảm sàn 3.500 đồng, còn 74.500 đồng/cổ phiếu, MSN giảm 700 còn 147.000 đồng/cổ phiếu. Sự xuống giá của hai mã này đã ảnh hưởng rất lớn đi chỉ số chung trong phiên hôm nay bởi có mức vốn hóa lớn trên thị trường. Ở phía bên kia, chỉ VNM, VIC, DHG, DPM và KBC tăng giá với mức 100-4.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Khác hẳn với phiên trước, hôm nay cổ phiếu giảm giá chiếm phần lớn trên bảng giao dịch điện tử. Thị trường ghi nhận tới 193 mã đi xuống, nhiều gấp hơn 3 lần số mã đi lên (55 mã), 45 mã giữ giá tham chiếu.
Bên bán và bên mua đều tỏ ra cầm chừng. Bên mua không muốn mua bằng mọi giá, thậm chí có nhiều người còn đặt mua ở mức giá sàn trong khi bên đang sở hữu cổ phiếu cũng không muốn xả hàng bằng mọi cách. Tuy nhiên, tính chung thì bên bán vẫn lấn át bên mua. Chính vì vậy, lượng giao dịch chứng khoán không đạt mức cao. Tính cả giao dịch thỏa thuận, toàn thị trường có trên 46,150 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị đạt 886,720 tỷ đồng.
Cùng chiều với sàn Tp.HCM, tại sàn Hà Nội, HNX-Index còn 74,38 điểm, hạ 1,63 điểm (-2,14%). Toàn thị trường có trên 42,411 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị xấp xỉ 500 tỷ đồng.
Trên sàn dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,22%), xuống mức 31,37 điểm. Giao dịch diễn ra èo uột với chỉ chưa đầy 100.000 cổ phiếu (86.800 cổ phiếu) được sang tay, giá trị là 474,410 triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.