(HNM) - Hệ thống đê điều xuống cấp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu khiến nhiều công trình phòng, chống thiên tai của thành phố thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự cố, hư hỏng.
Từ trung tuần tháng 2 đến nay, trên một số tuyến đê của TP Hà Nội tiếp tục xảy ra sự cố hư hỏng. Đơn cử, trên tuyến đê hữu Hồng thuộc xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) xảy ra sự cố sạt mái kè với chiều dài 50m, rộng từ 3 đến 5m, sâu từ 0,5 đến 2m. Tương tự, trên đê Vân Cốc thuộc xã Xuân Phú (huyện Phúc Thọ) xảy ra sự cố sạt cơ kè, với chiều dài 40m, rộng từ 3 đến 4m, tạo vách đứng cao trung bình 4m, cung sạt cách chân đê 140m. Gần vị trí cung sạt xuất hiện nhiều vết nứt cơ kè rộng khoảng 20cm, tổng chiều dài khoảng 190m...
Trước đó, trong mùa mưa bão năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 37 sự cố đê điều, thủy lợi. Nghiêm trọng nhất là 3 sự cố về kè thuộc địa bàn các huyện: Đan Phượng, Ba Vì; 2 sự cố sạt lở bờ sông thuộc huyện Đan Phượng, Gia Lâm; 8 sự cố về đê trên địa bàn huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Ba Vì, Hoài Đức, Quốc Oai và quận Hà Đông; 1 sự cố sạt lở và tràn đê bối Bùi 2 tại huyện Chương Mỹ...
Ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý đê (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội) nhận định, nguyên nhân xảy ra sự cố đê điều gần đây chủ yếu do hồ chứa thủy điện xả nước phục vụ công tác lấy nước sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân. Dòng chủ lưu sông Hồng lên xuống bất thường và áp sát chân kè. Hơn nữa, những công trình này đều được xây dựng từ lâu, trước đó đã xảy ra các vết nứt nhỏ, chưa kịp đầu tư sửa chữa.
Trước tình hình trên, hiện các quận, huyện, thị xã có đê đã rà soát hiện trạng, đề xuất thành phố khắc phục sự cố hư hỏng hồ chứa, đê điều xung yếu trước mùa mưa bão. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đê hồ Quan Sơn; xử lý hệ thống kè chống sạt lở bờ hữu sông Đáy, đoạn xã Phùng Xá, Vạn Kim, Đại Hưng, Lê Thanh; gia cố một số đoạn đê sông Mỹ Hà, chống sạt lở đê sông Bùi… Huyện Mỹ Đức đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành công trình đúng tiến độ thành phố giao…
Tương tự, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện đã chủ động đầu tư 28 tỷ đồng xử lý cấp bách sự cố, cứng hóa, chống sạt lở 3km đê bao sông Tích, đoạn xã Cần Kiệm. Để nâng cao năng lực chống lũ cho tuyến đê, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho 31.000 người dân của 5 xã, thị trấn sinh sống ven sông Tích, huyện Thạch Thất đã đề xuất thành phố đầu tư kinh phí xử lý 4 trọng điểm xung yếu và 3 trạm bơm tiêu…
Để chủ động ứng phó với mùa mưa lũ sắp đến, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn sau mùa lũ bão năm 2017, đề xuất báo cáo UBND thành phố trước ngày 20-3. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, đề xuất của các sở, ngành, địa phương, UBND thành phố sẽ bố trí kinh phí để xử lý cấp bách các sự cố công trình, bảo đảm hệ thống đê điều, thủy lợi an toàn chống lũ, bão trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2017, làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém để chấn chỉnh, khắc phục; đồng thời, khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2018 sát với tình hình thực tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.