(HNM) - Đề án về tăng chi thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức TP Hồ Chí Minh đã được HĐND thành phố thông qua. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn về cách thức chi sao cho công bằng...
Cấp bách phải tăng thu nhập
Quận 1 được xem là quận "giàu" của TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây, bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1 cho biết: "Cán bộ cấp phường hiện đòi hỏi trách nhiệm rất cao, khối lượng công việc lớn nhưng mức thu nhập rất thấp. Chúng tôi rất mong được cải thiện thu nhập".
Thực tế cho thấy, lương bình quân của cán bộ, công chức, viên chức hiện chưa phù hợp với giá trị sức lao động bỏ ra, thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong khu vực sản xuất, kinh doanh.
TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu ban hành hướng dẫn thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. |
Theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh - cơ quan trình Đề án chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức - đến nay TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 12 năm thực hiện giao quyền tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính theo quy định của Chính phủ. Cơ chế này cho phép sử dụng kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức với hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1 lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định.
Nhưng trên thực tế, hiện số cơ quan hành chính đạt được mức thu nhập tăng thêm tối đa theo quy định rất thấp. Giai đoạn 2013-2017, thành phố có 1.831 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính. Trong đó, chỉ có khoảng 0,4% số đơn vị có mức tăng thu nhập trên 3 lần quỹ lương cấp bậc, chức vụ theo quy định.
Chính vì vậy, công chức, viên chức thành phố phấn khởi trước việc HĐND TP Hồ Chí Minh vừa thông qua Nghị quyết về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ không chuyên trách ở cấp phường, xã, thị trấn.
Theo đó, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm được thực hiện theo lộ trình: Năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ (tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ); năm 2019 sẽ tăng thu nhập tối đa 1,2 lần và năm 2020 tăng tối đa 1,8 lần. Thời gian tăng thu nhập tính từ ngày 1-4-2018 đến 31-12-2020.
Dự kiến trong năm 2018, TP Hồ Chí Minh sẽ dành hơn 2.300 tỷ đồng để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây được xem là cú hích giúp tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính các cấp và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Phải dựa vào đánh giá của người dân
Dù vậy, vấn đề cách tăng thu nhập thế nào, đối tượng nào được tăng hay "cào bằng" là những băn khoăn có thật. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu cách chi không công bằng sẽ dẫn đến sự so sánh, không những không kích thích mà còn trì hoãn, đùn đẩy công việc lẫn nhau.
Muốn không “cào bằng” thì phải đưa ra tiêu chí cơ sở để xem xét đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng hiệu quả công việc, phải có thông số chi tiết. "Các thông số phải theo nhóm của từng lĩnh vực, chứ mỗi nơi một tiêu chí, mỗi nơi chi một kiểu thì không thể làm được", ông Khuê nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh lo lắng: "Không khéo vì chuyện tăng thu nhập mà mất đoàn kết, làm cho hoạt động của đơn vị bị ảnh hưởng". Còn ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh băn khoăn, với cách đánh giá cán bộ, công chức như hiện nay thì cuối cùng ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, việc chi thu nhập tăng thêm lại thành ra bình quân, "cào bằng"...
Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức phải giải quyết được mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý của thành phố. Trên thực tế, không ít đơn vị có cách đánh giá cán bộ, công chức khá sát với thực tế công việc, tạo được sự đồng thuận của người lao động. "Chúng tôi sẽ ghi nhận, học tập cách làm của các đơn vị này để hướng dẫn triển khai diện rộng. Sắp tới, Sở Nội vụ sẽ có hướng dẫn chi tiết về cách thức thực hiện", ông Lắm khẳng định.
Theo cơ quan chức năng, hai nguyên tắc mà thành phố xác định khi thực hiện đề án là gắn với hiệu quả công việc và không "cào bằng". Theo đó, sau một năm tổng kết, cán bộ, công chức được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được chi thu nhập tăng thêm. Thủ trưởng từng sở, ngành, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ.
Để làm điều đó, tại hội nghị sơ kết quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cơ sở để đánh giá cán bộ, công chức phải dựa vào sự hài lòng của người dân, không thể đánh giá chủ quan, cảm tính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.