(HNM) - Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Các nhà quản lý, chuyên gia về giáo dục mong muốn luật mới sẽ giúp giải quyết được những vấn đề lớn của GDĐH.
Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường là một trong những nội dung quan trọng của Luật Giáo dục đại học. Ảnh: Linh Tâm |
- Thưa GS, xin GS cho biết những bước tiến của bản dự thảo Luật GDĐH mới nhất?
- Giai đoạn này, ủy ban không góp ý cho nội dung của Luật GDĐH nữa mà góp ý, thẩm tra về dự thảo luật. Dự thảo Luật GDĐH hiện đã có những bước tiến rõ rệt, đề cập được hầu hết vấn đề quan trọng của GDĐH. Tuy nhiên, giữa quan điểm của ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra còn có một số khác biệt, chủ yếu liên quan tới việc giải quyết đến đâu đối với những vấn đề đã được đề cập tới.
- Vậy GS kỳ vọng Luật GDĐH sẽ giải quyết được những điểm mấu chốt gì để đổi mới căn bản và triệt để GDĐH hiện nay?
- Trên thực tế, Ban thẩm tra không đặt vấn đề Luật GDĐH phải giải quyết ngay được tất cả vấn đề. Luật muốn được cụ thể hóa cần phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, có sự thử nghiệm trong cuộc sống để mang tính khả thi và ổn định lâu dài. Chúng ta phải chấp nhận từng bước tiến một. Có những vấn đề lớn mà các chuyên gia quan tâm, trước tiên là mô hình tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo, phát triển quy mô nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Rồi là tính mục tiêu trong hoạt động của các trường ngoài công lập; vấn đề giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường... Trong đó, tôi cho rằng một trong những bước đột phá để giải quyết bài toán phát triển kinh tế - xã hội đất nước là đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, sự phân tầng các cơ sở đào tạo phải được đặt ra cấp bách. Thay vì đánh đồng các trường với nhau hay chạy đua theo số lượng, chúng ta nên phân loại và tập trung đầu tư vào một số đơn vị trọng điểm.
- Theo GS, làm thế nào để phát triển quy mô đào tạo mà vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng?
- Hiện Nhà nước đang rất cố gắng đầu tư cho GDĐH với mức 20% ngân sách giáo dục, 8% GDP. Tỷ lệ này khá cao nhưng con số tuyệt đối còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của thanh, thiếu niên vốn đang rất căng thẳng. Nếu tính số học sinh vào ĐH, hiện nay ta có tỷ lệ khoảng 200 SV/1 vạn dân. Theo cách tiếp cận này thì quy mô chưa cao vì chưa đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như nhu cầu phát triển của xã hội. Chúng ta đã chạy theo số lượng mà quên mất chất lượng nên muốn quy mô bao nhiêu cũng có. Chất lượng đào tạo cũng thấp vì đầu tư yếu. Làm sao phải giải quyết vấn đề đầu tư, phải đầu tư đủ mới có chất lượng. Muốn làm được điều đó, chúng ta chỉ còn trông vào sự đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa GDĐH.
- Về vấn đề xã hội hóa, nội dung nào trong dự thảo còn nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu của Ban thẩm tra, thưa GS?
- Chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc phát triển khu vực các trường ngoài công lập, xem đã đúng mục tiêu là huy động nguồn lực ngoài ngân sách hay chưa. Ở khu vực này, nguồn đầu tư mới còn ít, vẫn đang khai thác những gì Nhà nước đang có, chẳng hạn như đội ngũ giảng viên vẫn chủ yếu từ các trường công lập. Thực trạng này cần được chấn chỉnh. Quan trọng hơn, sự phát triển khu vực ngoài công lập phải thể hiện quan điểm đã nêu như một nguyên tắc trong Luật GDĐH: Phải khuyến khích các cơ sở ngoài công lập hoạt động phi lợi nhuận. Phải có quy định nếu hoạt động vì lợi nhuận thì chỉ ở một mức độ hợp lý sao cho vẫn thu hút được nhà đầu tư mà không bị thương mại hóa. Vấn đề lớn là lợi nhuận hợp lý đó đến đâu? Ở điểm này, Ban soạn thảo vẫn chưa đáp ứng được mức độ mà Ban thẩm tra yêu cầu.
- Các trường đang trông chờ cơ chế tự chủ. Xin GS cho biết quan điểm của ủy ban trong vấn đề giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường?
- Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là giải pháp phát huy tính sáng tạo, năng động, tạo cơ chế huy động nguồn lực từ xã hội hóa. Hiện ngành GD nói chung và GDĐH nói riêng vẫn còn thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ thay vì chỉ giám sát, điều đó làm giảm sự năng động của các trường trong việc huy động các nguồn lực.
Ban soạn thảo và chúng tôi đã gặp nhau ở quan điểm: đơn vị cần được tự chủ về chuyên môn, tài chính, nhân lực và kế hoạch. Nguyên tắc thống nhất là giao quyền căn cứ vào vai trò, nhiệm vụ, khả năng, thông qua kiểm định đánh giá chất lượng của đơn vị. Song những nội dung cụ thể còn đang cần được trao đổi là mức độ tự chủ đến đâu, cách giao quyền như thế nào. Ngoài ra, còn có vấn đề lớn nữa cũng liên quan tới tự chủ, đó là kiểm định và bảo đảm chất lượng. Muốn có động lực nâng cao chất lượng thì phải gắn kiểm định với quyền lợi của nhà trường. Trường nào được công bố kiểm định chất lượng thì phải được hỗ trợ nhiều hơn, được tự chủ nhiều hơn. Nếu được như vậy thì các trường sẽ quan tâm đầy đủ tới việc kiểm định chất lượng.
- Xin cảm ơn GS!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.