(HNM) - Chung niềm vui với đồng bào ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài cũng có nhiều hoạt động chào đón Tết Canh Dần 2010. Tự hào về quê hương, phấn khởi trước những thành tựu mà đất nước đạt được là điều mà kiều bào ta ở khắp năm châu tâm đắc nhất. Hướng về quê hương, hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chung sức xây dựng đất nước phát triển là điều mà kiều bào muốn gửi gắm qua các hoạt động đón Tết, mừng Xuân.
Trong tiết trời giá lạnh băng tuyết chưa từng có từ nhiều thập kỷ qua ở Đức, mở màn đêm hội đón Tết cổ truyền dân tộc là tiết mục múa lân trong tiếng trống rộn rã tại Nhà văn hóa Việt - Đức ở thành phố Laixích (Đức). Hoạt động này do Hội Phụ nữ và Hội Người Việt Nam thành phố Laixích phối hợp tổ chức với sự tham gia của Đại sứ nước ta tại CHLB Đức Đỗ Hòa Bình, ông Xtôigian Gugútxkốp đặc trách công tác hội nhập người nước ngoài và đại diện nhiều ban, ngành của chính quyền thành phố Laixích, các tổ chức hội đoàn, doanh nghiệp và gần 300 bà con người Việt.
Một em bé trong màn biểu diễn trang phục và các điệu múa dân tộc tại lễ hội mừng Xuân Canh Dần ở Edmonton, Alberta, Canađa. Ảnh: montreal gazette |
Ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Laixích đã thông báo, trong năm 2010, Hội Người Việt Nam tại Laixích sẽ tổ chức Đại hội lần thứ 7 và cùng chính quyền địa phương tổ chức "Tuần lễ văn hóa đa dạng", "Tết Trung thu đa dạng" và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác trong khuôn khổ "Năm Việt Nam tại Đức" mừng kỷ niệm 35 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè Đức.
Đại sứ Đỗ Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2010 là năm có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu chặng đường 35 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức cũng như ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, trong đó có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chính phủ hai nước đã quyết định tổ chức "Năm Việt Nam tại Đức" và "Năm Đức tại Việt Nam", bao gồm nhiều hoạt động phong phú trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân trải suốt năm ở nhiều địa phương của hai nước nhằm quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử và con người của mỗi nước, qua đó tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước và góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Đức.
Cũng trong dịp này, Hội Người Việt Nam ở các địa phương như Béclin, Xvíchcau, Rathennô, Branđenbuốc, Mácđơbuốc, Đrétxđen, Hanbơxtát, Hanlơ, Vítxma, Hội lưu học sinh Béclin-Pốtxđam... đã tổ chức đón Tết cổ truyền dân tộc và Xuân Canh Dần 2010.
* Tại Pháp, mỗi độ xuân về, người Việt thường lên chùa cầu may. Ngày mùng một Tết, ngay từ sáng sớm, bà con đã nô nức đi dự lễ cầu an tại Thiền viện Trúc Lâm và Phật đường Khuông Việt ở ngoại ô thủ đô Pari. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài, Đại sứ - Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Văn Nghĩa Dũng cũng đến dự buổi lễ ở Thiền viện Trúc Lâm, thăm chúc Tết các hòa thượng, phật tử, kiều bào tại Phật đường Khuông Việt.
Trong cái lạnh giá của châu Âu, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp dường như vẫn tìm thấy được sự ấm áp và bầu không khí linh thiêng của Tết cổ truyền dân tộc. Khắp nơi, bà con tăng ni, phật tử chắp tay thành kính cầu xin trời phật phù hộ cho một năm mới an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, quốc thái dân an.
Đối với những người Việt xa xứ, ngày đầu năm đi lễ chùa không đơn thuần để cầu nguyện mà còn là dịp để tìm về cội nguồn dân tộc, gửi gắm nỗi nhớ quê hương vào những điều ước và gắn kết sợi dây tình cảm giữa các thế hệ Việt kiều với nhau và với đất nước.
* Hòa chung niềm vui đón năm mới của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới, tối 14-2 (mùng một Tết), Đại sứ quán Việt Nam tại Áchentina đã trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt mừng Xuân.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ nước ta tại Áchentina Thái Văn Lung nhấn mạnh, trong năm qua, dù phải đối diện nhiều khó khăn thách thức do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những giải pháp kịp thời để giảm tối đa tác động tiêu cực. Đại sứ tin rằng trong năm mới Canh Dần 2010, năm có nhiều sự kiện trọng đại trong đó có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tình hình chính trị - kinh tế của đất nước sẽ có nhiều biến chuyển tích cực.
* Tại Mỹ, du học sinh người Việt cũng có cách đón Tết Nguyên đán cho riêng mình. Bánh chưng gói bằng lá chuối. Giò được bọc bằng ni lông hoặc giấy bạc. Những lát măng khô đóng trong túi nhỏ để dành nấu miến gà. Lựa chọn không nhiều, nhưng cũng đủ để giúp cho nhiều sinh viên vơi nỗi nhớ quê nhà. Tại Đại học Mítxôri, Hội Sinh viên Việt đã tổ chức đón Tết với nhiều món ăn truyền thống, các tiết mục văn nghệ chào đón năm mới đã được thành viên của cộng đồng sinh viên Việt thể hiện, qua đó khẳng định tấm lòng, tình cảm luôn hướng về quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.